Ngày 20-12, UBND TPHCM tổ chức tổng kết kinh tế - xã hội năm 2022 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đến dự, phát biểu chỉ đạo.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì.
Chỉ tiêu thu gần 470.000 tỷ đồng
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các sở ngành đều thống nhất nhận định, năm 2023, kinh tế TPHCM phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường, tăng trưởng có xu hướng chậm lại, nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro tài chính, tiền tệ lạm phát gia tăng. Từ đó, các sở ngành, địa phương tập trung phân tích, đề ra các giải pháp trọng tâm cho năm tới.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng Thường trực UBND TPHCM dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Trong đó, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Duy Minh cho biết, Chính phủ đã giao TPHCM chỉ tiêu dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 469.375 tỷ đồng, chiếm 26,05% tổng dự toán thu cả nước, tăng 21,42% so với dự toán năm 2022.
Để hoàn thành mục tiêu đầy thách thức này, Sở Tài chính đề xuất nhiều giải pháp quản lý và bồi dưỡng nguồn thu. Đặc biệt, trong công tác quản lý tài sản công, Sở Tài chính – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 167 – sẽ tham mưu UBND TPHCM bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với nhà đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại.
Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Duy Minh cho biết, Chính phủ đã giao TPHCM chỉ tiêu dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 469.375 tỷ đồng. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Cùng với đó, kiên quyết thu hồi các cơ sở nhà đất do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng không đúng quy định, không hiệu quả, tự nguyện trả lại cho nhà nước để giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất hoặc Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng. Từ đó quản lý và đề xuất phương án sử dụng hiệu quả, hoặc đề xuất bán đấu giá tạo nguồn thu nộp ngân sách để chi đầu tư phát triển.
Đồng thời, Sở Tài chính TPHCM cùng các sở ngành phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, sắp xếp lại và xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn, theo quy định tại Nghị quyết 54 của Quốc hội.
UBND TPHCM tổ chức tổng kết kinh tế - xã hội năm 2022 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Sở Tài chính cũng đề xuất giải pháp phối hợp cùng với Sở TN-MT TPHCM rà soát các trường hợp chưa ký hợp đồng thuê đất, các trường hợp đã ký hợp đồng thuê đất nhưng hết hạn, rà soát các trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính để tạo nguồn thu ngân sách. Một số nguồn thu khác được Sở Tài chính trong năm 2023 là nguồn thu thu từ sắp xếp lại, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Bên cạnh đó là thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển.
Cùng với những giải pháp này, Sở Tài chính TPHCM sẽ phối hợp nghiên cứu, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách phát triển TPHCM và cơ chế thí điểm các vấn đề mới phát triển TPHCM, nhất là các nội dung trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Đầu tư công phải dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội
Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng, HĐND TPHCM đã thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách của TPHCM là gần 143.000 tỷ đồng.
Với mức vốn này, TPHCM chỉ đáp ứng, cân đối được khoảng 21% tổng nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, và không đủ để bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp của giai đoạn trước. Do vậy, việc huy động tối đa các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kinh tế xã hội của TPHCM là rất cần thiết.
Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
“Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công còn hạn hữu, TPHCM cần có các giải pháp để lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh hợp tác công tư kết hợp với việc rà soát, huy động nguồn vốn tối đa để phục vụ cho đầu tư phát triển”, bà Lê Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh.
Sở KH-ĐT TPHCM đề xuất, với nguồn vốn đầu tư công, thành phố cần quyết liệt tập trung tăng nguồn vốn cho chi đầu tư phát triển bằng việc nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó tiết kiệm chi thường xuyên.
Ngoài ra, TPHCM cũng cần đánh giá khả năng cân đối ngân sách để phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tạo thêm nguồn vốn. Bên cạnh đó là các giải pháp huy động nguồn vốn từ quỹ đất công, tài sản công, cổ phần hóa.
Cụ thể là việc quản lý, sử dụng nhà đất công, sớm đấu giá với các khu đất đã có chủ trương, đẩy nhanh việc tính tiền sử dụng đất đối với các khu đất, dự án đã đủ điều kiện.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai cũng nhấn mạnh đến giải pháp quyết liệt thực hiện Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn, trong đó có đề xuất thu hồi thêm đất ở 2 bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá.
Đồng thời đẩy nhanh công tác quy hoạch không gian ngầm và đề xuất cơ chế khai thác đối với các khu vực không gian ngầm, đặc biệt là khu vực trung tâm TPHCM và các khu vực kết nối với các tuyến đường sắt đô thị.
Với nguồn lực đầu tư xã hội từ nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết các giải pháp là chủ động chuẩn bị các dự án mang tính chiến lược để mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp để thu hút mạnh hơn nữa dòng kiều hối chảy về TPHCM.