Tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 20-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022, trước những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, vượt khỏi khả năng dự báo, nhiều yếu tố mới xuất hiện, chưa từng có tiền lệ của tình hình thế giới, khu vực, tình hình các nước chịu nhiều biến động, lạm phát ở mức cao, tăng trưởng thấp, thậm chí đối mặt với nguy cơ suy thoái, mất ổn định tăng cao, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường nhưng tăng trưởng kinh tế 9 tháng của năm 2022 tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2021-2022, vượt dự kiến kịch bản đặt ra. Đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực kinh tế. Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra. Ước thực hiện cả năm có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, nhất là về tăng trưởng kinh tế. Nhiều dự án đầu tư quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được triển khai quyết liệt.
Tuy vậy, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ “dịch chồng dịch”, công tác phòng chống dịch Covid-19, tiêm vaccine có nơi, có lúc, có địa bàn còn chủ quan, lơ là. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức do diễn biến bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới làm lạm phát toàn cầu tăng cao, tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia suy giảm, thậm chí rơi vào suy thoái, tạo áp lực lên công tác điều hành giá, lãi suất, tỷ giá. Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ, chưa đạt được kết quả như mong đợi. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; còn thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn, nhất là lao động chất lượng cao. Thu hút FDI đầu tư mới và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn; liên kết giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước còn hạn chế.
Chính phủ đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2022, đó là chú trọng phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch chồng dịch; khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Theo dõi sát tình hình, tận dụng tốt thời cơ, hóa giải hiệu quả khó khăn, thách thức; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định các loại thị trường, tận dụng tốt thị trường trong và ngoài nước. Bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, tết và đầu năm 2023. Điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp; bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng. Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong năm tới, mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược… Năm 2023, có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%...
Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó hàng đầu là thực hiện tốt các nhiệm vụ như tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Giữ vững thành quả phòng, chống dịch Covid-19, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh thế giới, có phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là nguy cơ “dịch chồng dịch”. Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ổn định và phát triển các loại thị trường lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập. Đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.