Năm 2022, TPHCM phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa từ 6% - 6,5%

HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) dự kiến từ 6% - 6,5% tùy tình hình cụ thể, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. 
Chiều 9-12, kỳ họp thứ 4 HĐND TPHCM khóa X bước sang ngày làm việc thứ 3 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Tại kỳ họp, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022. Theo đó, HĐND TPHCM cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được UBND TPHCM trình tại kỳ họp. Trong quá trình chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022, đề nghị UBND TPHCM cần tập trung các nội dung trọng tâm.
Năm 2022, TPHCM phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa từ 6% - 6,5% ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu bế mạc tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong đó, thống nhất chủ đề năm 2022 là năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. UBND TPHCM cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và tiếp tục thực hiện những nội dung đang triển khai trong chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; để tiếp nối, tạo đà cho việc triển khai thực hiện chủ đề năm 2022, trong đó, việc đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cần được ưu tiên hàng đầu.
Năm 2022, TPHCM phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa từ 6% - 6,5% ảnh 2 Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trao đổi với đại biểu HĐNDTP tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Năm 2022, TPHCM phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa từ 6% - 6,5% ảnh 3 Các đại biểu HĐNDTP biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong năm 2022, TPHCM tập trung thực hiện nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, TPHCM tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19”. Đồng thời thực hiện sáng tạo, hiệu quả phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, huy động toàn lực, toàn ngành y tế thành phố cả khu vực công và khu vực tư cùng tích cực tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.
Năm 2022, TPHCM phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa từ 6% - 6,5% ảnh 4 Các đại biểu HĐNDTP biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 – 2025; rà soát xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để cơ cấu lại kinh tế, trước mắt tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nhằm kéo giảm suy thoái kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng.
Năm 2022, TPHCM phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa từ 6% - 6,5% ảnh 5 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu HĐNDTP. Ảnh: VIỆT DŨNG
Khẩn trương triển khai tăng tốc, quyết liệt, hiệu quả đối với 14 chương trình đột phá phát triển thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM. Trong đó chú trọng dành nguồn lực đầu tư công đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số của thành phố, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tạo những chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn giúp thành phố phát triển nhanh và bền vững.
TPHCM tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả trong công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư có ý nghĩa phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, liên kết vùng, có sức lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố, phục vụ dân sinh.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó đặc biệt ưu tiên lĩnh vực: công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị.
Các chỉ tiêu năm 2022 của TPHCM
Theo đó, chỉ tiêu về kinh tế có 5 chỉ tiêu gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) dự kiến từ 6% - 6,5% tùy tình hình cụ thể, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt trên 49%. Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân 0,75%/GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.
Chỉ tiêu về xã hội có 6 chỉ tiêu gồm: Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 86,05% trong tổng số lao động đang làm việc. Giải quyết việc làm cho 300.000 lao động (trong đó, tạo việc làm mới cho 140.000 lao động); tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%. Giảm 0,35% tỷ lệ hộ nghèo và 0,2% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo thành phố. Phấn đấu đạt tỷ lệ 20,4 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân. Tiếp tục duy trì đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi); đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học. Tổng tỷ suất sinh đạt ít nhất 1,39 con/phụ nữ (tuổi sinh đẻ).
Tiếp tục duy trì 100% số hộ dân sử dụng nước sạch. Tiếp tục duy trì xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 13,32%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,32 km/km2. Tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 6,6 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,2m2/người. Diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,57 m2/người.
Về cải cách hành chính có 2 chỉ tiêu gồm: Phấn đấu thành phố nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index). Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên.
Về chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội có 1 chỉ tiêu gồm: Giữ vững an ninh chính trị, kéo giảm phạm pháp hình sự và tăng tỷ lệ điều tra khám phá án; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm trên 90%; kéo giảm ít nhất 5% số người chết do tai nạn giao thông; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và kéo giảm 5% số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng.
HĐND TPHCM kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ thành phố tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, chung sức quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố năm 2022.

Tại kỳ họp, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, mục tiêu cụ thể TPHCM là đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD. 

Đến năm 2030 là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045 trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu

Tin cùng chuyên mục