Chiều 7-1, giải trình trước Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây là những chính sách chưa từng có tiền lệ. Mục tiêu là chính sách đưa ra phải trúng, đúng, hiệu quả, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 từ 6,5-7%/năm (nếu không thực hiện Chương trình, tăng trưởng bình quân chỉ đạt 5,4%/năm; trường hợp thực hiện Chương trình, giúp tăng khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra).
Bộ trưởng cho biết, tổng quy mô các chính sách chi hỗ trợ từ tài khóa và ngoài tài khóa (miễn, giảm điện, nước, dịch vụ viễn thông...) năm 2021 là 269.464 tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP. Như vậy, tổng chi tài khóa và ngoài tài khóa đã thực hiện năm 2021 và dự kiến từ Chương trình tới đây là gần 570.500 tỷ đồng. Theo tính toán của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 tăng thêm 2,9 điểm % so với kịch bản không thực hiện chính sách; năm 2023 tăng thêm 0,2 điểm %.
Chính phủ đã xác định cụ thể từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và lộ trình thực hiện trong 2 năm 2022-2023. Năm 2022 được xác định là thời kỳ phục hồi, chủ yếu tập trung vào các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; hỗ trợ lãi suất cho vay thương mại; đồng thời tích cực chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến đầu tư thuộc Chương trình, sẵn sàng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân trong năm 2023.
Năm 2023 là thời kỳ phát triển, tập trung triển khai các dự án đầu tư công thuộc Chương trình để tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Về chính sách thuế, Bộ trưởng cho biết, rà soát lại hàng hóa, dịch vụ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) phù hợp, không áp dụng cho tất cả các mặt hàng chịu thuế suất 10%; rà soát áp dụng đối với cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức thuế suất 5%, hàng hóa, dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng; tập trung vào lĩnh vực ưu tiên hoặc vật tư phòng, chống dịch; có ý kiến đề nghị tăng mức giảm thuế suất thuế VAT lên 3% hoặc 2-5% cho từng loại hình doanh nghiệp; có ý kiến đề nghị giảm 1-4% tùy thuộc vào lĩnh vực ưu tiên, giảm sâu đối với ngành may mặc, ăn uống, nông sản; nghiên cứu hoàn thuế VAT cho người tiêu dùng.
Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và đảm bảo trong điều kiện hỗ trợ của ngân sách, Chính phủ trình Quốc hội cho giảm mức thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% (giảm 2%) trong năm 2022 đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Tuy nhiên không phải áp dụng cho tất cả, mà loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có lợi thế phát triển (vẫn áp dụng mức thuế suất 10%) như viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất.
Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ, bộ đã rà soát loại trừ thêm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng) cũng không được áp dụng thuế suất 8% (giữ nguyên mức 10%). Tổng cộng sẽ giảm 49.400 tỷ đồng/năm, thực hiện trong năm 2022.
Theo Bộ trưởng, mức giảm 2% nêu trên đã được tính toán kỹ lưỡng cả về tác động đến cân đối NSNN, cũng như tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Nếu giảm cả cho nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 5% thì số giảm thu sẽ lên đến trên 60.000 tỷ đồng, gây áp lực lớn hơn đến cân đối NSNN. Mặt khác, trường hợp phân loại theo ngành nghề, hoặc chia nhỏ các lĩnh vực ưu tiên sẽ rất phức tạp trong công tác kiểm tra, đôn đốc thu nộp và dễ bị bỏ sót đối tượng thu.
Việc hoàn thuế VAT cho người tiêu dùng yêu cầu chi phí thực thi lớn, tạo áp lực lớn lên các cơ quan thuế, đồng thời làm tăng thêm thủ tục, thời gian cho người tiêu dùng để được thụ hưởng, trong khi đã ban hành chính sách giảm thuế suất thuế VAT (có tác động trực tiếp tới giá cả hàng hóa, dịch vụ). Chính sách này cũng không thể thực hiện được toàn bộ do không có đầy đủ dữ liệu người tiêu dùng. Do vậy, Chính phủ kiến nghị không áp dụng chính sách này.
Về chính sách hỗ trợ lãi suất, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong điều hành chính sách tiền tệ, Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo cung ứng thanh khoản, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi kinh tế, đồng thời giúp các ngân hàng thương mại có điều kiện phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong 2 năm 2022 - 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để kiểm soát dòng vốn không chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao, Chính phủ sẽ quy định khách hàng cần có ngành nghề kinh doanh, mục đích vay vốn thuộc các ngành nêu trên nhằm đảm bảo số tiền hỗ trợ lãi suất thực sự đi vào các ngành cần được khuyến khích tăng trưởng hoặc tháo gỡ khó khăn.
Đồng thời có cơ chế thu hồi số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất trước đó trong trường hợp phát hiện khách hàng vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất hoặc khách hàng được xác định không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Tính chung cả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và các dự án giao thông thuộc Chương trình, ngành GTVT phải giải ngân khoảng hơn 90.000 tỷ đồng/năm trong 4 năm tới.