Khi FED tăng lãi suất
Theo Bloomberg, nếu trong năm tới, Cục Dữ trự liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, thậm chí tăng lãi suất 3 lần trong năm, đồng thời dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng trước khi đạt mức 2,5%, nền kinh tế Mỹ đầu năm 2023 có thể rơi vào suy thoái. Việc FED tăng lãi suất, thông thường sẽ giúp hồi sinh đồng USD nhưng cũng có thể khiến dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển và đôi khi có thể kích hoạt khủng hoảng tiền tệ. Argentina, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Brazil sẽ là 5 nền kinh tế rủi ro nhất trong năm 2022.
Kinh tế Trung Quốc
Quý 3-2021, kinh tế Trung Quốc bị đình trệ. Khủng hoảng nợ bất động sản Evergrande, việc áp dụng liên tục các biện pháp phong tỏa để phòng dịch và tình trạng thiếu hụt năng lượng khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụt giảm. Chính sách “zero Covid” của Trung Quốc có thể đồng nghĩa với việc thêm nhiều thành phố bị phong tỏa vì biến thể Omicron.
Trong bối cảnh nhu cầu suy giảm và huy động vốn bị hạn chế, ngành bất động sản và xây dựng, vốn chiếm khoảng 25% tỷ trọng nền kinh tế Trung Quốc, có thể sẽ tiếp tục lao dốc. Kinh tế Trung Quốc dự báo tăng trưởng 5,7% trong năm 2022. Nếu tốc độ tăng trưởng giảm xuống mức 3% sẽ gây nên phản ứng dây chuyền toàn cầu.
Bất trắc ở châu Âu
Năm tới, chính trường châu Âu có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn bởi 2 sự kiện. Một là, cuộc bầu cử tổng thống Italy vào tháng 1-2022 có thể lật đổ liên minh cầm quyền mong manh. Hai là, bầu cử tổng thống Pháp và tổng thống nước này E.Macron sẽ đối diện với thách thức từ phe cánh hữu. Nếu các nhân vật theo chủ nghĩa hoài nghi ở các nền kinh tế chủ chốt trong Khu vực đồng EUR (Eurozone) lên cầm quyền, sự bình yên ở châu Âu có thể sẽ bị phá vỡ.
Trong khi đó, đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về Nghị định thư Bắc Ireland chắc chắn sẽ kéo dài đến năm 2022 và sẽ khó đi đến sự đồng thuận. Nếu đàm phán đổ vỡ sẽ tác động đến hoạt động đầu tư kinh doanh và kéo đồng bảng Anh đi xuống, từ đó đẩy lạm phát lên cao và làm giảm thu nhập thực tế của người dân. Nếu chiến tranh thương mại bùng phát giữa Anh và EU, những khó khăn về thuế quan và logistics có thể sẽ đẩy giá cả lên cao.
Dịch bệnh và biến độnggiá cả thực phẩm
Biến thể Omicron lây lan nhanh và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng con người sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Việc thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 sụt giảm. Trong bối cảnh đó, nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm và các vấn đề về nguồn cung toàn cầu có thể sẽ tiếp diễn bởi sẽ có thêm nhiều người bị loại khỏi thị trường việc làm và hoạt động logistics sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Trong lịch sử, nạn đói luôn là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến động xã hội. Đại dịch Covid-19 và thời tiết khắc nghiệt đã đẩy giá thực phẩm toàn cầu lên mức cao kỷ lục và tình trạng này có thể tiếp diễn trong năm tới.
Vẫn có những dự báo tốt lành với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Chẳng hạn, chính sách tài khóa của Mỹ có thể được mở rộng hơn so với hiện tại, giúp nền kinh tế tránh xa khủng hoảng tài khóa và thúc đẩy tăng trưởng. Trên phạm vi toàn cầu, nhờ các biện pháp kích thích trong thời kỳ dịch bệnh và chính sách tiết kiệm chi tiêu trong thời kỳ phong tỏa, mức tiết kiệm của các gia đình có thể lên đến hàng ngàn tỷ USD. Nếu tốc độ chi tiêu của họ nhanh hơn kỳ vọng, kinh tế sẽ tăng tốc… |