Sáng 18-12, tại Hà Nội, Bộ TT-TT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tham dự sự kiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu đến tham dự sự kiện. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Báo cáo của Bộ TT-TT tại hội nghị cho biết, năm 2022, doanh thu toàn ngành TT-TT ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982,30 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021. Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành TT-TT (tính theo doanh thu) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất 6,7% so với năm 2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Bộ TT-TT tại buổi lễ. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Năm 2022, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 52.300 tỷ đồng, tăng 16% so với 2021. Số lượng doanh nghiệp bưu chính mới gia nhập thị trường tăng 12%, và chất lượng dịch vụ bưu chính chuyển phát, đặc biệt là chuyển phát cho thương mại điện tử, được cải thiện nhờ ứng dụng công nghệ. Với dịch vụ viễn thông, năm 2022 doanh thu ước đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021. Thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone ước đạt 75,8%, tăng 1,4% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang tính đến tháng 12-2022 ước đạt 74,5% xấp xỉ đạt mục tiêu kế hoạch đề ra năm 2022 là 75% tăng 7,5 %, so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay, hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học.
Về lộ trình dừng công nghệ 2G, Bộ TT-TT đã có văn bản về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G. Theo đó đặt ra mục tiêu hoàn thành việc dừng công nghệ 2G chậm nhất đến thời điểm tháng 9-2024 là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Trong năm 2022, Bộ TT-TT đã phối hợp với Bộ Công an xác định, xử lý 5 vụ việc (Hà Nội: 2 vụ, TPHCM: 3 vụ) sử dụng trạm BTS giả mạo để thực hiện các hành vi phát tán tin nhắn lừa đảo trên mạng viễn thông di động. Đây là các thiết bị có thể nhắn tin giả mạo dùng để lừa đảo với tần suất 40.000-80.000 tin nhắn/ngày/thiết bị. Bộ TT-TT đã tiến hành thanh tra 12 cuộc, kiểm tra 112 cuộc (100% kế hoạch); thực hiện 355 cuộc kiểm tra đột xuất đối với các đối tượng sử dụng tần số; đã ban hành 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó: phạt tiền 93 vụ với tổng số tiền 169.750.000 đồng, phạt cảnh cáo 01 vụ, nhắc nhở 112 vụ.
Với công tác chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT-TT đã tổ chức công bố các nền tảng số, sự kiện, hoạt động phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên cổng thông tin điện tử chuyển đổi số quốc gia (dx.gov.vn), bao gồm: công bố 18 nhóm nền tảng số phục vụ chính phủ số; công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ người dân; công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ doanh nghiệp; câu chuyện chuyển đổi số của 63 tỉnh, thành phố. Nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) hiện đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; trong đó 8 cơ sở dữ liệu và 12 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP năm 2022 là khoảng 860 triệu giao dịch, gấp 4,8 lần năm 2021. Bộ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông hoàn thành đối soát thông tin thuê bao 76 triệu hồ sơ (100%) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Bộ TT-TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Định hướng 2024 - 2025, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số đạt 20% GDP và tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%. Ước tính đóng góp của kinh tế số cho GDP 9 tháng đầu năm 2022 đạt 14,26%, trong đó, kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,18%.
Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Đáng chú ý, đóng góp vào GDP của lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 34,336 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021.
Trong năm 2022, việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật; tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí đã từng bước được khắc phục. Lần đầu tiên, công tác xử lý vi phạm chuyển hướng sang xem xét, xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí, bên cạnh việc chỉ xử lý hành chính đối với cơ quan báo chí thông thường. Bộ TT-TT đã ban hành Kế hoạch xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hoá” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí và triển khai một cách bài bản, nghiêm túc, quyết liệt. Bộ TT-TT đã chủ trì, lập Tổ công tác kiểm tra, xem xét tổng thể hoạt động của cơ quan báo chí. Qua hoạt động, tổ công tác đã tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đối với 16 cơ quan báo chí. Kết quả đã ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 729 triệu đồng; trong đó có 1 tạp chí ngoài bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng. Các cơ quan báo chí bị xử lý đều nhận ra những sai sót, khuyết điểm; cam kết cụ thể về biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động, rà soát, kiểm tra nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; bảo đảm kiểm soát nội dung thông tin, năng lực sản xuất tin, bài, kinh tế báo chí, an toàn, an ninh thông tin; tuân thủ quy định pháp luật về báo chí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Trong năm 2022, bằng những biện pháp đấu tranh quyết liệt, khôn khéo, lần đầu tiên Bộ TT-TT đã đạt được những kết quả mang tính đột phá trong đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới (Facebook, YouTube, Google, Tiktok…), buộc các nền tảng này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, xoá bỏ và ngăn chặn thông tin độc hại, nâng tỷ lệ xoá, chặn thông tin xấu độc trên 90% yêu cầu của Nhà nước Việt Nam với thời gian rút ngắn và tỷ lệ xử lý cao hơn, góp phần làm lành mạnh không gian mạng, bảo vệ thành công an ninh chính trị, tư tưởng trên không gian mạng.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2023 tới sẽ là năm về dữ liệu, tập trung công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối chia sẻ và an toàn dữ liệu. Bộ TT-TT quyết tâm tạo ra sự thay đổi cơ bản về dữ liệu Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Năm 2023, Bộ TT-TT sẽ tập trung vào các kết quả thực chất, như về bưu chính sẽ đo lường và kiểm soát chất lượng dịch vụ; về viễn thông sẽ giải quyết triệt để sim rác và thương mại hoá 5G; về dịch vụ công trực tuyến sẽ nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự được xử lý trực tuyến; về chuyển đổi số, nâng số lượng tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam lên ít nhất 50%; về công nghiệp công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo ra sự cộng hưởng trong nước và lan ra nước ngoài. Công tác báo chí xuất bản và truyền thông sẽ tập trung vào sự tuân thủ luật pháp Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, giải quyết các vấn đề tư nhân hoá báo chí hay báo hoá trang tin, mạng xã hội.