Ngày 15-12-2021, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp cùng với Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) tổ chức hội thảo “Những xu hướng chính thay đổi môi trường kinh doanh và giải pháp phục hồi cho doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm trong bối cảnh mới”. Đây là một hoạt động trong “Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm năm 2021”.
Ngành lương thực, thực phẩm đóng góp gần 14%
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc phụ trách ITPC Trần Phú Lữ cho biết, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TPHCM vẫn đạt được mức tăng trưởng dương.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến tháng 10, ước đạt 109,05 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2020 (92,5 tỷ USD). Kết quả này có những đóng góp không nhỏ của ngành lương thực, thực phẩm khi đóng góp gần 13,8% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của TPHCM.
Theo ông Trần Phú Lữ, trong những năm gần đây ngành chế biến lương thực, thực phẩm của TPHCM đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, kể từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành lương thực, thực phẩm đã bị tác động nặng nề theo chiều hướng tiêu cực. Nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao (từ 20-50%), chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất lương thực, thực phẩm lâm vào tình trạng khan hiếm đầu vào; tình trạng giãn cách xã hội khắt khe khiến thiếu hụt lao động để duy trì và vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, việc hạn chế di chuyển trong nội thành cũng như các cửa ngõ ra vào của TPHCM với các tỉnh thành lân cận đã gây ra không ít khó khăn đối với công tác hậu cần, vận chuyển và thông quan hàng hóa của các DN lương thực, thực phẩm nói riêng và DN TPHCM nói chung. Nhiều đơn hàng xuất khẩu của DN không giao kịp tiến độ hoặc số lượng cam kết với đối tác nước ngoài gây thiệt hại lớn cho DN cả về uy tín cũng như tài chính.
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Chủ tịch FFA Nguyễn Đặng Hiến cho biết, trước năm 2020, thị trường ngành lương thực, thực phẩm Việt Nam liên tục tăng trưởng và được đánh giá đầy tiềm năng. Nhưng năm 2021, dưới tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, chỉ số sản xuất của ngành đã giảm 7,8% so với cùng kỳ 2020.
“Sau khi TPHCM và cả nước nới lỏng các hoạt động phòng, chống dịch từ đầu tháng 10, hoạt động sản xuất từng bước được phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến thực phẩm tháng 11 đã tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2020 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đặng Hiến phấn khởi nói.
Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro, tránh bị động
Theo ông Hiến, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã và đang nỗ lực chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất hàng tết. Mặc dù, thực tế tình hình khó khăn chung vì dịch bệnh, giá cả nguyên liệu đầu vào của sản xuất tăng cao, chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng giảm nhưng DN đã sớm dự báo tình hình và chủ động trong việc sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo đủ hàng cho người dân trong giai đoạn mua sắm cuối năm, kể cả nếu thị trường có những biến động đột biến thì các DN vẫn đáp ứng được kịp thời.
Trong phần trình bày của mình, chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thanh Điền đã chỉ ra những xu hướng của ngành lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, người tiêu dùng ưa chuộng và gia tăng tiêu dùng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hữu cơ, thành phần dinh dưỡng lành mạnh, đóng gói bao bì hiện đại, tiện dụng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh dooanh; đặt hàng và kiểm soát chất lượng từ xa dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ số để kết nối và tăng tương tác với khách hàng cả trong quá trình sản xuất và giao thương.
“Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự dịch chuyển từ việc mua hàng trực tiếp sang trực tuyến, nhờ đó, thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng lên tới 91% trong năm 2021. Những dịch chuyển này trong xu hướng tiêu dùng cũng đã thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển với 60,6% sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã giảm đi, 59,6% thanh toán qua Internet banking và 57,7% thanh toán qua ví điện tử được tăng lên”, TS. Điền dẫn chứng.
Không những vậy, dịch Covid-19 cũng đã tác động sâu rộng lên chuỗi cung ứng, khiến các mô hình chuỗi cung ứng truyền thống hiện hữu gặp phải rủi ro, do đó phát sinh nhu cầu phải tính toán thiết kế lại chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức sản xuất cũng cần được đổi mới để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa phát triển kinh tế.
“DN cần chú trọng tới việc nghiên cứu sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi với phương thức bán hàng mới, thuận tiện trong vận chuyển, tối ưu hóa giá trị sử dụng. Đồng thời, chủ động và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh như tăng tương tác B2B, B2C và kiểm soát chất lượng từ xa…”, TS. Huỳnh Thanh Điền chia sẻ.
Cũng theo TS. Điền, DN cần tuyển chọn và xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đó ưu tiên nhân lực có trình độ, kỹ năng phù hợp thời đại kinh tế số; định hình lại cách đánh giá hiệu quả tài chính dự án đổi mới; lựa chọn chiến lược và triết lý kinh doanh phù hợp với môi trường vĩ mô xung quanh DN và môi trường vi mô nội tại cũng là chìa khóa giúp dễ dàng thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, DN cần xây dựng hệ thống quản lý rủi ro thông minh, dễ hiểu, dễ tiếp cận để có thể dễ dàng ứng phó với các tình huống phát sinh, tránh bị động.