Vượt khó tạo dấu ấn
Dịch Covid-19 buộc hoạt động giải trí phải co cụm: liveshow lớn không tổ chức được, các dự án âm nhạc phải hủy hoặc hoãn, các sản phẩm âm nhạc phát hành ít hơn mọi năm. Ngay từ thực tế các trang nhạc số và bảng xếp hạng âm nhạc trong nước, số lượng bài hát nằm trong tốp hàng tuần ít hơn hẳn so với trước.
Tuy nhiên, nhìn ở mặt tích cực, năm qua chứng kiến sự lên ngôi của dịch vụ nghe nhạc trực tuyến (streaming), vốn từng xa lạ với khán giả trong thưởng thức nghệ thuật. Các đợt giãn cách xã hội đã biến mạng xã hội trở thành nền tảng vàng cho các sản phẩm âm nhạc.
Mặc dù số lượng sản phẩm âm nhạc năm 2020 không nhiều như các năm trước, nhưng về chất lượng vẫn đảm bảo với sự đầu tư rất mạnh tay từ các ê kíp. Trong cái khó, sự sáng tạo đã phát huy giúp cho thị trường âm nhạc Việt có nhiều chuỗi dự án gây dấu ấn.
Năm qua, thị trường nhạc Việt có nhiều sản phẩm hợp tác giữa nghệ sĩ Việt và quốc tế. Album Trọn một kiếp yêu (Đức Tuấn) được hậu kỳ âm thanh tại Mỹ, với bàn tay của kỹ sư âm thanh nổi tiếng Steven Fallone. Album Human - Con người (Tùng Dương) được kỹ sư âm thanh danh tiếng người Anh Christian Wright (hãng đĩa lừng danh Abbey Road Studio) thực hiện phần hậu kỳ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc Việt để chuyên nghiệp hóa các khâu thực hiện sản phẩm, tiệm cận âm nhạc thế giới và cũng là xu hướng sản xuất âm nhạc trong năm tới.
Nhạc sĩ Quốc Bảo nhận định: “Trong năm mới, các nghệ sĩ vượt khó vẫn sẽ ra được sản phẩm và thị trường vẫn phân mảnh thành những phong cách khác biệt như rap, EDM... song hành với nhạc pop truyền thống. Dịch Covid-19 làm người ta ngại đi nghe nhạc, nên giải trí tại nhà lại được lựa chọn nhiều, dẫn đến sự khởi sắc trở lại của nhạc - nghe…”.
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường chia sẻ: “Năm 2021, các loại hình thưởng thức âm nhạc trực tuyến sẽ tiếp tục lên ngôi, bởi lẽ đó là cách an toàn nhất để ca sĩ và người hâm mộ tiếp cận được với nhau mà vẫn giữ được an toàn cho cộng đồng. Còn về thể loại, V-Pop nói riêng và âm nhạc thế giới nói chung đều đang có một sự đa dạng. Vẫn có những ca sĩ tốp để duy trì thị trường, bên cạnh các nhân tố mới. Đó là tín hiệu tốt, khi chúng ta đã có thể linh hoạt để tiếp cận thị trường, tiếp cận khán giả bằng nhiều cách, trong khi buộc phải “chung sống” cùng dịch Covid-19, ít nhất là trong tương lai gần”.
Tăng trưởng về lượng người dùng
Ở lĩnh vực gameshow, quy luật đào thải thị trường khiến nhiều chương trình ở mảng ca hát, hài, thi thố tài năng… đã mất sức hút với khán giả, buộc các đơn vị sản xuất phải liên tục nhập về các chương trình mới lạ.
Đạo diễn, NSƯT Vũ Thành Vinh, Giám đốc truyền thông Khang, từng chia sẻ, vòng đời các chương trình truyền hình ngày càng ngắn do khán giả có xu hướng giải trí nhanh và thường dễ chán, do đó tính sàng lọc khắt khe hơn. Theo anh, các chương trình đi vào tính nhân văn, mang đến nhiều giá trị hơn cho xã hội, tăng tương tác với khán giả… sẽ được đón nhận.
Trong khi đó, giải trí trực tuyến tiếp tục phát triển mạnh và có sự tăng trưởng về lượng người dùng. Theo bà Lưu Thị Thanh Lan, Giám đốc Galaxy Play, trong thời gian dịch Covid-19, mảng phim bộ của nền tảng này tăng trưởng gấp 2-3 lần, số người dùng cũng tăng rất nhiều. Tương tự, FPT Play, hay POPS cũng có sự tăng trưởng về người dùng, lượt xem. Từ các web drama đình đám cho đến các series phim sản xuất độc quyền, các chương trình Việt hóa từ nước ngoài hay sự cạnh tranh giữa các nền tảng trong nước và quốc tế đã tạo nên cuộc đua hấp dẫn, mang đến lợi ích cho khán giả.
Xu hướng thị trường giải trí năm 2021 sẽ còn tùy thuộc vào các trào lưu mới, chương trình…, nhưng tôi cảm thấy sự thăng hoa của nhạc rap có thể không kéo dài được lâu. Dù nó mang tính thời thượng, năng động nhưng thực chất vẫn khó có được những bài rap ý nghĩa, quen thuộc với số đông khán giả. Rất ít ai nhớ được hết lời của một bài rap. Đó là điều khá thiệt thòi với các bạn theo đuổi dòng nhạc này" Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung |
Nhận định về xu hướng giải trí trực tuyến nổi bật trong năm 2021, theo đại diện POPS, các nội dung phát trực tiếp (live) như Talkshow, chương trình ca nhạc có yếu tố tương tác với khán giả trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Các nền tảng phát trực tuyến qua đó cũng phát triển thêm nhiều chức năng để hỗ trợ người dùng tối đa, nhằm tạo tương tác tốt với các nội dung và nghệ sĩ như: trò chuyện, quyên góp, gây quỹ. Sự cạnh tranh của thị trường giải trí ngày càng mạnh do tác động của các yếu tố quan trọng là: nhu cầu đa dạng, ngày càng “nâng tầm” của khán giả và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Để đáp ứng nhu cầu khán giả, các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam như Galaxy Play, POPS, DANET, FPT Play… liên tục cho ra mắt các nội dung mới hấp dẫn để cạnh tranh với các “ông lớn”: Netflix, HBO Go…
Năm 2021, Galaxy Play dự kiến sản xuất 20 phim bộ độc quyền. Đặc biệt, các sản phẩm này đều được tiền kiểm trước khi đến với khán giả, góp phần nâng cao chất lượng dòng phim online, mở ra một sân chơi mới tiềm năng. POPS, FPT Play hay DANET… cũng đã và đang sản xuất, Việt hóa nhiều nội dung độc quyền trên các nền tảng của mình.
Tuy nhiên, ở mảng giải trí trực tuyến, theo đại diện POPS, các nhà sản xuất nội dung vẫn đang phải đối mặt với thử thách lớn là khán giả Việt vẫn chưa quen với việc chi tiền cho nội dung giải trí. Đại đa số vẫn còn có thói quen xem các nội dung giải trí miễn phí trên các nền tảng trực tuyến, ảnh hưởng đến nguồn thu và tái đầu tư sản xuất cho nghệ sĩ và các đơn vị sản xuất nội dung giải trí. Điều này dẫn đến hệ lụy chung là tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng trên không gian mạng.