Cụ thể, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2021 ước tính đạt 383.703 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán. Nguồn thu ngân sách tăng chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán và tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP góp phần làm tăng tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm cũng như cả năm 2021.
Từ đầu năm 2021 đến ngày 15-12-2021, toàn thành phố đã có 30.829 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 517.694 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giảm 23,5%, vốn đăng ký giảm 53,5%. Về hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20-12, TPHCM đã có 633 dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 686,6 triệu USD (giảm 33,4% về số giấy phép và tăng 7,7% về vốn cấp mới so với cùng kỳ năm trước)…
Năm nay, ngành du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41.280 tỷ đồng, giảm 46,1% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2.935 tỷ đồng, giảm 60,2% so với cùng kỳ. Vận tải hành khách năm 2021 giảm 44,8% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch nội địa đến TPHCM ước tính đạt 9,3 triệu lượt người, giảm 41,1% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế là 0 lượt.
Theo ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, dưới tác động của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) TPHCM giảm sâu hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước và các địa phương. Cộng đồng doanh nghiệp liên tục gặp khó khăn, thậm chí phải giải thể, phá sản; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng dẫn đến nguy cơ tiềm tàng mất thanh khoản, nợ xấu gia tăng...