Đây là kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước của TP để tránh lãng phí, trùng lắp và tiết kiệm ngân sách; đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TPHCM phát triển thành đô thị thông minh và nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp; đồng thời khai thác sự phát triển nhanh của các công nghệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0, như: Internet vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ trợ lý ảo, robot thông minh…
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết: Nguyên tắc chung của Kiến trúc CQĐT TP là tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, bám sát Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025; đồng thời hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số để quản lý và điều hành đô thị thông minh.
Theo đó, những chuẩn mực xây dựng và phát triển đô thị thông minh luôn được tham chiếu trong từng bước chuyển đổi trạng thái ứng dụng CNTT của chính quyền TP. Trong nghiệp vụ điều hành chính quyền, Kiến trúc CQĐT TP giúp cải thiện, nâng cấp dịch vụ công với việc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Về dữ liệu, xây dựng kho dữ liệu dùng chung có thể chia sẻ, kết nối để tối ưu hóa việc khai thác. Về ứng dụng, vừa liên thông dịch vụ công quốc gia, vừa liên thông dịch vụ một cửa điện tử TP. Về công nghệ, ưu tiên sử dụng công nghệ nguồn mở.
Liên quan đến lộ trình triển khai thực hiện, bà Võ Thị Trung Trinh cho biết, từ năm 2010, TPHCM đã tập trung xây dựng CQĐT liên thông trên cơ sở triển khai hệ thống “một cửa điện tử”, “một cửa liên thông” với nhiều dịch vụ công trực tuyến. Bắt đầu từ năm 2018, mục tiêu là chuyển qua CQĐT di động và triển khai dịch vụ công mức độ 4 trên kênh điện thoại thông minh, với độ tương tác cao hơn.
Đến năm 2020, cơ bản hoàn tất triển khai hệ thống quản lý văn bản, điều hành điện tử và hệ thống một cửa điện tử liên thông theo các Quyết định 28 và 61 của Thủ tướng Chính phủ; hình thành kho dữ liệu dùng chung về người dân, doanh nghiệp, bản đồ số. Từ năm 2020 - 2025, TPHCM tiến đến xây dựng CQĐT thông minh trên cơ sở công nghệ big data, dữ liệu mở, AI, điện toán đám mây (cloud) và tận dụng kênh mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ công thông minh cho người dân và doanh nghiệp. Sau mốc năm 2025 là giai đoạn CQĐT cá nhân hóa, khi các dịch vụ công được thực hiện tự động bởi các tương tác giữa máy và máy.
Tại lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nêu rõ công tác điều hành chính quyền hiện nay cần phải nhanh, phải ứng dụng công nghệ. Vì vậy, yêu cầu các sở ngành, quận huyện đẩy nhanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý công tác tại đơn vị trên cơ sở Kiến trúc CQĐT TPHCM vừa được công bố. “Không chỉ những nơi có hạ tầng công nghệ tốt, hiện đại mà chính các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa càng phải ứng dụng công nghệ để cung cấp các tiện ích giúp người dân tương tác với chính quyền mà không đi lại quá nhiều”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu.
Với từng đơn vị cụ thể, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở TT-TT TPHCM nhanh chóng ban hành các quy định, quy chế để hướng dẫn và giám sát quá trình triển khai Kiến trúc CQĐT tại các đơn vị; tổ chức công khai khung kiến trúc trên nhiều kênh để người đứng đầu cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, người dân nắm bắt và thực hiện, để doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ phù hợp. Song song đó, phối hợp với các tổ tư vấn cập nhật thường xuyên để hoàn thiện Kiến trúc CQĐT TP qua từng năm; nắm bắt và kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình, giải pháp áp dụng hay, hiệu quả ở các địa phương; phối với với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP kiến nghị các bộ ngành trung ương về quy trình đầu tư các dự án theo Luật Đầu tư công để theo kịp tốc độ phát triển công nghệ.