Gửi báo cáo mới phát hành, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2020, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 146 cuộc kiểm toán, giảm 44 cuộc so với kế hoạch kiểm toán năm 2019.
Với lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước sẽ lựa chọn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019, gồm các tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TPHCM...
Việc kiểm toán khối này sẽ kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước; thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; đánh giá các hoạt động quản lý, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước như: chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu…
Đáng lưu ý, trong lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm Ngân hàng Nhà nước, 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 3 ngân hàng thương mại để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.
Mục tiêu nữa là xác định thực trạng sở hữu chéo, nợ xấu, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng theo đề án "Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng" được phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án "Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" và việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội.
Về kiểm toán chuyên đề, năm 2020, Kiểm toán Nhà nước dự kiến lựa chọn kiểm toán một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, góp phần giảm nợ công, phát triển kinh tế xã hội.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình dự án, Kiếm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 34 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm, như các dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM); đầu tư xây dựng đường vành đai II, III thành phố Hà Nội; các tuyến đường trên tuyến Quốc lộ 1A; tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; các dự án thủy lợi (Hồ chứa nước Đồng Mít; hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; hồ chứa nước Sông Lũy, Bắc sông Chu - Nam sông Mã; đập ngăn mặn sông Hiếu; hồ chứa nước Mỹ Lâm; hồ chứa nước sông Chò I), dự án vệ sinh môi trường TPHCM; đường dây 500kV Long Phú - Ô Môn; nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và dự án đường sắt đô thị Hà Nội...