Nhóm vấn đề chính mà Bộ trưởng Chu Ngọc Anh sẽ trả lời xoay quanh hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học - công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ba khu công nghệ cao đã thu hút gần 10 tỷ USD vốn đăng ký
Theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, 3 khu Công nghệ cao quốc gia tại Hòa Lạc, TPHCM và Đà Nẵng, với các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, đã thu hút 217 dự án đầu tư với số vốn đăng ký gần 10 tỷ USD, tạo ra việc làm cho khoảng 50.000 lao động.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng hạ tầng để tập trung thu hút đầu tư (03 dự án lớn được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 223 triệu USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong Khu đạt 2,4 tỷ USD).
Khu Công nghệ cao TPHCM năm 2017 đạt giá trị sản xuất toàn Khu là 12 tỷ USD và đến năm 2020 sẽ vượt mốc 20 tỷ USD.
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 07 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 160 triệu USD.
Tuổi của thiết bị cơ khí nhập khẩu có thể đến 20 năm
Một vấn đề rất đáng lưu ý khác được nêu trong Báo cáo là việc kiểm soát thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Về tuổi thiết bị, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định chung tuổi cho thiết bị đã qua sử dụng các lĩnh vực tại các quy định hiện hành (không quá 10 năm) là chưa phù hợp, ví dụ: thiết bị thuộc lĩnh vực cơ khí, điện có thể kéo dài hơn, đến 15- 20 năm.
Nhằm tháo gỡ các vướng mắc này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng nội dung sửa đổi Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN và đang phối hợp với Bộ Công Thương đưa vào Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý ngoại thương.
Theo đó, Thông tư sửa đổi dự kiến quy định tiêu chí nhập khẩu chung là “tuổi thiết bị không quá 10 năm, riêng đối với lĩnh vực cơ khí, tuổi không quá 20 năm”.
Đối với các ngành, lĩnh vực khác giao các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng tiêu chí và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với dự án đầu tư mới, đầu tư dịch chuyển cả nhà máy từ nước ngoài (chủ yếu là từ Nhật Bản, Hàn Quốc) sang Việt Nam, không áp dụng tiêu chí tuổi của máy móc, thiết bị mà kiểm soát thông qua công nghệ áp dụng và chất lượng, hiệu suất còn lại của thiết bị được giám định tại nước ngoài, trước khi đóng gói, nhập khẩu.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục cho phép nhập khẩu thiết bị đối với trường hợp đặc biệt (tuổi thiết bị vượt quá 10 năm)…
Kinh phí đầu tư cho KHCN từ doanh nghiệp tăng mạnh
Đáng lưu ý, Báo cáo nêu trên cho biết, năm 2017, xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế, dẫn đầu nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả ấn tượng này, theo người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), là kinh phí đầu tư cho KHCN những năm gần đây liên tục tăng, đặc biệt là kinh phí ngoài ngân sách.
Cụ thể, năm 2016, tổng kinh phí dành cho hoạt động khoa học và công nghệ đạt 33.905 tỷ đồng, bao gồm ngân sách nhà nước 17.730 tỷ đồng, tổng kinh phí từ doanh nghiệp chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là 16.175 tỷ đồng.
Tính ra, nguồn chi cho khoa học và công nghệ từ doanh nghiệp đã tăng lên tới 48%. Một số doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn cho khoa học công nghệ như Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí quốc gia...