Sáng ngày 31-12, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí Toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ 2021.
Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ TT-TT và 800 đại biểu là lãnh đạo bộ, ban, ngành, lãnh đạo cơ quan báo chí trong cả nước.
Có cơ quan báo chí giảm 70% doanh thu quảng cáo
Tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, thực hiện quy hoạch báo chí, trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019. Tính đến ngày 31-12, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo (Trung ương: 68, địa phương: 74, 112 báo có hoạt động báo điện tử); 612 tạp chí (Trung ương: 520, địa phương: 92, có 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 Tạp chí điện tử).
Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động PTTH với 2 đài quốc gia (Đài THVN, Đài TNVN), 1 Đài TH KTS VTC, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình (Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội) với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình.
Có 2 địa phương đã chuyển đổi sang mô hình tòa soạn hội tụ, đó là: Trung tâm truyền thông Quảng Ninh và Đài phát thanh, truyền hình và Báo Bình Phước.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, trong năm 2020, sự phát triển mạnh mẽ truyền thông xã hội trên không gian mạng cùng những khó khăn của kinh tế, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, số lượng phát hành và quảng cáo của nhiều cơ quan báo chí giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế báo chí.
Đối với báo in và báo điện tử, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo báo cáo của nhiều cơ quan báo chí, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu các quý II, quý III, quý IV đã giảm mạnh so với trước.
Có cơ quan báo chí sụt giảm đến 70% doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông.
Trong số 65/72 cơ quan phát thanh truyền hình (PTTH), có 16 cơ quan là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 2 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 45 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 2 đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Tổng doanh thu năm 2020 của khối Đài PTTH đạt khoảng hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo là hơn 5.700 tỷ đồng.
Theo thống kê, doanh thu của nhiều Đài PTTH giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự cạnh tranh về quảng cáo thương mại của các phương thức truyền thông khác, mạng xã hội youtube, facebook....Cả nước hiện có hơn 21.000 người đã được cấp thẻ nhà báo.
Chế tài xử lý “báo hóa tạp chí”
Ông Lê Mạnh Hùng cũng thông tin, trong năm 2020, các cơ quan quản lý báo chí tiếp tục xây dựng, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành và chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động tốt hơn.
Để khắc phục tình trạng “báo hóa tạp chí”, Bộ TT-TT đã có Thông tư số 48/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san để xác định rõ tính chuyên ngành trong đề án của các cơ quan, tổ chức đề nghị cấp phép tạp chí điện tử và các mẫu tờ khai, giấy phép liên quan nhằm đảm bảo tạp chí điện tử hoạt động đúng tính chất.
Đối với công tác quy hoạch báo chí, hiện Bộ TT-TT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành địa phương, đơn vị liên quan tập trung cao điểm thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Thông tin mới nhất, đến nay, có tổng số 61/78 cơ quan, tổ chức, địa phương đã hoàn thành thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí. Hiện đang xem xét, xử lý hồ sơ của các trường hợp còn chưa hoàn thành quy hoạch, đảm bảo đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Năm 2020 cũng là năm mà công tác ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên không gian mạng đã đạt được hiệu quả cao nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, từ cuối tháng 8-2020 đến nay đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin bôi nhọ, xuyên tạc về các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước ta, đồng thời triển khai đồng bộ hệ thống kỹ thuật để giám sát, phát hiện và chặn lọc các nguồn tin xấu độc trên không gian mạng.
Báo chí thời kỳ mới gặp nhiều thách thức
Ông Lê Mạnh Hùng cho biết, hiện nay việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, điều hướng nội dung, đáp ứng nhu cầu, sở thích người dùng diễn ra nhanh, đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí phải có khả năng nắm bắt nhanh và dự báo sớm được tác động của xu thế này trong việc định hướng báo chí và truyền thông trên mạng. “Các cơ quan báo chí cần nâng cao cảnh giác và thường xuyên chuyển đổi cách thức kiểm soát các thông tin, bình luận khi tham gia, cập nhật thông tin lên mạng xã hội”, ông Hùng nhấn mạnh.
Các cơ quan báo chí thời gian tới cũng gặp nhiều thách thức, áp lực khi chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động sau khi thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, nhất là vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy và kinh tế báo chí.
Trong khi đó, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội diễn ra nhanh, nhiều hành vi vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp, nguy hiểm do đó đòi hỏi công tác bảo vệ nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp cần phải được coi trọng và tăng cường, nhất là đối với các phóng viên, nhà báo thực hiện mảng đề tài phóng sự điều tra…