Đến năm 2020, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm
Với Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN. Sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp; Luật Đấu thầu; Luật Xây dựng; Luật Đầu tư; Luật Đất đai và các văn bản khác có liên quan. Tổng kết, đánh giá mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và mối quan hệ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương bàn giao phần vốn hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Đến năm 2020, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.
Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019).
Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp, phát triển doanh nghiệp và việc sử dụng nguồn thu từ đất của các DNNN đã cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2017, báo cáo Quốc hội kết quả tại kỳ họp thứ 7.
Giải quyết bất cập BOT giao thông
Với Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những cam kết, giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này.
Trong đó, với lĩnh vực giao thông vận tải, Quốc hội yêu cầu rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, quy hoạch giao thông; chấn chỉnh hoạt động vận tải đường sắt, có phương án đầu tư phát triển vận tải đường sắt bảo đảm an toàn, hiệu quả; trình Quốc hội cho ý kiến về phương án đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào năm 2019. Rà soát toàn bộ hệ thống trạm thu phí BOT giao thông và sớm xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập, vướng mắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.
Đối với lĩnh vực tài nguyên - môi trường, Quốc hội yêu cầu rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình thực thi pháp luật về đất đai. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất dùng cho mục đích công cộng, đất tại các nông, lâm trường, dự án BT, BOT; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai, gây bức xúc trong nhân dân; kiên quyết xử lý, thu hồi theo quy định của pháp luật đối với đất để hoang hóa, lãng phí, chậm đưa vào sử dụng. Chấn chỉnh việc sử dụng, quản lý đất ven sông, ven biển. Triển khai có hiệu quả các giải pháp hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai, tránh gây tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản, đặc biệt là tại các khu vực có quy hoạch dự án trọng điểm.
Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, phải làm tốt công tác dự báo thị trường lao động; có lộ trình cụ thể giải quyết việc làm cho sinh viên, thanh niên nông thôn; xử lý tình trạng mất cân đối trong cơ cấu đào tạo chung.
Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Quốc hội yêu cầu hoàn thành đề án cụ thể về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên. Kiên quyết giải thể các cơ sở đào tạo đại học chất lượng yếu, kém. Có chính sách hữu hiệu thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Tích cực chuẩn bị, triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội.
Sẽ giám sát việc thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị
Với Nghị quyết về kỳ họp thứ 5, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2018; giải quyết có hiệu quả các yếu kém đã được nhận diện.
Quốc hội cũng quyết nghị phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với khoản đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1-1-1995. Quốc hội giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 đến ngày 31-12-2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu.
Với Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019, Quốc hội nêu rõ tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”.