Tính đến hết tháng 11-2019, cả nước xuất khẩu được 418.110 tấn nhân điều các loại với kim ngạch xuất khẩu gần 3 tỷ USD; tăng 16,47% về lượng nhưng giảm 8,32% về trị giá so với 11 tháng của năm 2018. Giá điều nhân xuất khẩu bình quân là 7.269 USD/tấn, giảm 20,73% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngành điều cũng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu (điều mật ong, điều rang muối…) đạt khoảng 0,6 tỷ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu năm 2019 đạt 3,6 tỷ USD. Về nhập khẩu hạt điều thô nguyên liệu, Việt Nam cũng xác lập kỷ lục mới với tổng số lượng hạt điều thô nhập khẩu đạt 1.534.825 tấn, với giá nhập khẩu bình quân là 1.333 USD/ tấn, tăng 27,54% về lượng nhập khẩu và giảm 29,78% về giá bình quân so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VINACSA, năm 2020 sẽ là một năm khó khăn với ngành điều: những diễn biến phức tạp của kinh tế quốc tế, xung đột thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - Ấn; những chính sách bảo hộ của các nước liên quan về điều thô và điều nhân. Dự báo, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá điều thô và điều nhân có thể có biến động nhưng biên độ không lớn. Cùng với đó, các nhà rang chiên lớn của Mỹ, EU sẽ áp đặt thêm một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và sẽ kiểm thêm dư lượng hoá chất cấm, siết chặt quy định về xuất xứ hàng hóa… Tình hình mua bán, sát nhập doanh nghiệp đang diễn ra ngày càng nhanh và mạnh hơn. Trong năm 2019, số lượng hạt điều nhân sơ chế (còn vỏ lụa hoặc không còn vỏ lụa) nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh hơn so với năm 2018 và các năm trước đó. Năm 2020, các doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy cải tiến máy móc thiết bị nâng cao năng lực chế biến sâu để đạt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD nhân điều.
Trước những diễn biến khó lường của thị trường, VINACAS đề xuất, đối với nhập khẩu điều thô tiếp tục thực hiện chủ trương giảm lượng, tăng chất nhằm nâng cao chất lượng điều nhân. VINACAS tập hợp, động viên những doanh nghiệp chế biến đầu ngành phối hợp và chủ động trong kinh doanh để giúp ngành điều cơ bản làm chủ nguồn nguyên liệu.