Lý do là kinh tế Việt Nam có thể được hỗ trợ bởi các yếu tố quốc tế như: hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại; triển vọng từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các hiệp định thương mại khác.
Về lạm phát, áp lực khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh sẽ không nhiều do giá cả hàng hóa thế giới dự báo chỉ tăng nhẹ. Các tính toán cho thấy, nếu chưa tính đến điều chỉnh giá dịch vụ công, CPI bình quân năm 2019 có thể tăng 3,6%. Theo dự báo của ủy ban, năm 2019, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra tại các nước phát triển nhưng thận trọng và dè dặt hơn.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể chỉ tăng lãi suất thêm một lần thay vì 3 lần như dự báo trước đó. Do đó, đồng USD được dự báo tăng không nhiều, thậm chí có tổ chức (Citigroup, Goldman Sachs) dự báo giảm.
Ở Việt Nam, trên thị trường tiền tệ, theo ủy ban, năm 2018, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,5% so với đầu năm, tỷ giá ngân hàng thương mại tăng khoảng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 3,5% so với đầu năm. Tỷ giá tăng do yếu tố quốc tế và trong nước thì chịu áp lực từ lạm phát. Năm 2019, áp lực lên tỷ giá được giảm thiểu do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo. Đó là khả năng đồng USD tăng sẽ không nhiều, thậm chí có thể suy yếu hơn; lạm phát trong nước có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn, áp lực lên tỷ giá giảm bớt.