Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay 20-7, nhiều điểm sáng nhưng cũng không ít vấn đề cần quan tâm đã được các nhà nghiên cứu chỉ rõ.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM thay mặt nhóm tác giả của CIEM nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,85% trong quý 2 năm nay, mặc dù thấp hơn so với quý 1 (7,38%), song vẫn là mức tăng cao nhất của quý 2 trong 10 năm trở lại đây.
Kết quả này giúp giảm áp lực điều hành trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2018 (từ 6,5-6,7%).
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm không dựa vào mở rộng tiền tệ. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Tăng trưởng kinh tế chưa kéo theo áp lực lạm phát theo chu kỳ, do ít có tác động của mở rộng tiền tệ và tài khóa. So với những lần khủng hoảng trước, Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới…
Dù chưa đến mức độ “quá nóng” như một số ý kiến lo ngại, song vẫn có không ít vấn đề cần được quan tâm hơn. “Mức độ chuyển biến về chất lượng tăng trưởng còn chưa thực sự rõ nét; áp lực lạm phát còn hiện hữu. Khả năng duy trì đà cải cách kinh tế nói chung và cải cách môi trường kinh doanh nói riêng là một dấu hỏi lớn”, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM bình luận.
Đưa ra những khuyến nghị chính sách, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu ưu tiên, song cách thức ứng phó phải linh hoạt hơn, không chỉ dựa vào công cụ tiền tệ (đặc biệt là tỷ giá).
Đáng lưu ý, “năm 2019 không nên điều chỉnh lương, bối cảnh này nên hỗ trợ doanh nghiệp thay vì tăng chi phí cho họ”, ông Dương đề nghị.
Những động thái khó lường trên trường quốc tế cũng được các tác giả nhấn mạnh. Trong đó, sự căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường, các tranh chấp địa chính trị vẫn hiện hữu ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương… là những động thái tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Lộ trình tăng lãi suất ở Mỹ khó đoán định hơn, dù rằng việc hoàn tất các thủ tục cho phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do có thể kéo theo một số tác động tích cực đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.