Ngoài ra, ngân sách TPHCM còn thu 5.387 tỷ đồng từ công tác cho thuê đất, thu 6.337 tỷ đồng từ lệ phí trước bạ.
Trong năm 2018, các cơ quan chức năng cũng đã cấp giấy chứng nhận nhà, đất lần đầu cho 23.372 hồ sơ; 1.729 hồ sơ nhà, đất thuộc các dự án nhà ở trên địa bàn TP… Qua tổng số 679.124 hồ sơ các loại đã giải quyết trong năm 2018 cho thấy, tỷ lệ hồ sơ tăng 5,15% so với các năm trước đó.
Các quận, huyện ngoại thành là những địa phương có tỷ lệ giao dịch nhà đất chiếm tỷ lệ cao như quận 9, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Thủ Đức… trong đó Củ Chi là địa phương có số lượng hồ sơ cao nhất với 60.000 hồ sơ.
Theo báo cáo của Văn phòng Đăng ký đất đai TP, hiện nay một số chi nhánh văn phòng các quận huyện vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu, kho lưu trữ quá tải không đáp ứng cho nhu cầu bảo quản lưu trữ hồ sơ. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, các vấn đề vướng mắc pháp lý nhà đất chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở, như cấp giấy chứng nhận cho người nhận đăng ký biến động hiện trạng sai so với giấy chứng nhận; cấp giấy phép xây dựng có thời hạn; người nhận chuyển nhượng quyền một phần mà không thực hiện các thủ tục tách thửa; mua bán nhà ở và cấp giấy chứng nhận tại các dự án nhà ở…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, liên thông với các đơn vị, ngành liên quan như thuế để giải quyết nhanh hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp, giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn. Việc giải quyết cấp giấy chứng nhận không được chậm trễ nhưng phải đảm bảo các quy định pháp luật để tránh sai sót, tránh gây phiền hà cho người dân; tuyển chọn vào biên chế những người có năng lực chuyên môn tốt để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…