Theo đó, ngày 31-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS); thủ tục hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS thay thế các Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm chức danh GS, PGS.
Thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ GD-ĐT soạn thảo quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng GS các cấp; kiện toàn HĐCDGSNN, Hội đồng GS ngành/liên ngành; hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học thành lập Hội đồng GS cơ sở và lên kế hoạch triển khai xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt sắp tới.
Để có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, tại phiên họp ngày 18-9, Thường trực HĐCDGSNN đã quyết định triển khai đợt xét đầu tiên theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg vào đầu năm 2019. Như vậy, năm 2018, HĐCDGSNN sẽ không tiến hành xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS.
Trước đó, theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS thì tiêu chuẩn chung của chức danh GS, PGS gồm các tiêu chuẩn như giảng viên đã có trên 10 năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ mà trong 3 năm cuối có thời gian không quá 12 tháng đi thực tập, tu nghiệp nâng cao trình độ thì thời gian này không tính là gián đoạn của 3 năm cuối.
Bên cạnh đó, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong đó có ít nhất 1/2 số giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp. Đối với giảng viên thỉnh giảng, phải thực hiện ít nhất 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy quy định tại khoản này.
Ngoài ra, phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh; có đủ số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu theo quy định.
Cũng theo quyết định này, ngoài đạt tiêu chuẩn chung ở trên, ứng viên GS còn phải đạt các tiêu chuẩn riêng.. Nhìn chung, quyết định của Thủ tướng theo hướng nâng cao tiêu chuẩn xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS.
Quyết định nâng cao tiêu chuẩn xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS của Thủ tướng đưa ra sau khi xảy ra vụ lùm xùm về xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS năm 2017 khiến xã hội rất bức xúc.
Cụ thể, HĐCDGSNN công bố năm 2017 có 1.226 hồ sơ ứng viên GS, PGS đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên dư luận phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn tăng đột biến so với các năm trước. Không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một “đợt vét” trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn GS, PGS. Vì vậy, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát, kết quả trong số ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đã công bố ngày, đến ngày 5-3, còn 94 ứng viên phải rà soát lại vì có phản ánh và hồ sơ cần xác minh thêm. Tiếp tục rà soát lần 2, có 53 ứng viên đủ điều kiện, 41 ứng viên không đủ điều kiện, trong đó có một số ứng viên tự xin rút hồ sơ. Trong 41 ứng viên không được công nhận có 2 ứng viên GS là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Nguyễn Duy Lâm, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN-PTNT.
Trong danh sách 39 ứng viên PGS bị loại có nhiều quan chức như ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc; ông Nguyễn Xuân Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam; ông Lương Văn Anh - giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; bà Nguyễn Thị Kiều Anh - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội; ông Hà Anh Đức - thư ký Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Trịnh Thanh Hùng - phó vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật - Bộ Khoa học và công nghệ; ông Nguyễn Hùng Long - Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế; Đỗ Tuấn Đạt, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1...
Như vậy, sau vụ lùm xùm về việc xét công nhận GS, PGS vừa qua, quyết định của Thủ tướng Chính phủ ra đời đã nâng cao tiêu chuẩn của các ứng viên GS, PGS nhằm bảo đảm chất lượng cũng như hạn chế tiêu cực trong quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS.