Năm 2017 kết thúc với sự kiện đáng chú ý là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hứng chịu thất bại thảm hại trên chiến trường, đặc biệt là tại Syria và Iraq. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, dù IS đã thua trận và để mất lãnh thổ, nhưng cuộc chiến chống khủng bố còn lâu mới kết thúc.
Các chi nhánh hành động
Ngày 29-12, IS đã nhận thực hiện vụ tấn công nhằm vào một nhà thờ Cơ Đốc giáo ở phía Nam thủ đô Cairo của Ai Cập làm ít nhất 9 người thiệt mạng. Vụ tấn công trên xảy ra trước thềm lễ Giáng sinh của người Cơ Đốc giáo Ai Cập vào ngày 7-1 hàng năm (theo lịch của Cơ Đốc giáo chính thống).
Sau khi được thông tin về vụ tấn công đẫm máu này, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã lên án vụ việc và thể hiện chia buồn sâu sắc với gia đình các nạn nhân cùng chính phủ và người dân Ai Cập, đồng thời hy vọng những người bị thương nhanh hồi phục.
Cùng ngày, IS cũng nhận đã gây ra vụ đánh bom ngày 27-12 tại một siêu thị ở TP Saint Petersburg của Liên bang Nga, làm 14 người bị thương.
Trong khi giới chuyên môn cho rằng các vụ tấn công nhằm vào cộng đồng này được cho là do chi nhánh của IS ở Ai Cập tiến hành, thì Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang (FSB) Alexander Bortnikov cho biết Nga vẫn ở trong tình trạng cảnh giác trước khả năng các phần tử thánh chiến trở về từ Syria sẽ gây ra các hoạt động khủng bố nhân các sự kiện như cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 3 và giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2018 tại Nga.
Hồi đầu tháng 12, ông Bortnikov cho biết ít nhất 4.500 công dân Nga đã rời khỏi nước này để tham chiến cùng với các phần tử khủng bố ở Trung Đông, Bắc Phi và các khu vực khác.
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn
Những ngày cuối năm 2017 đã chứng kiến bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố khi cả Iraq và Syria đều tuyên bố được giải phóng hoàn toàn khỏi IS. Tuy nhiên, thất bại của IS tại Trung Đông đang mang đến nỗi lo mới về việc các chiến binh nước ngoài trong hàng ngũ IS tìm đường trở về nước, cùng với nguy cơ những tư tưởng cực đoan và bạo lực của chúng vẫn được truyền bá rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Thực tế trên cho thấy, IS tuy “thua trận” nhưng chưa “thua cuộc chiến”.
Nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa thoát khỏi mối hiểm họa thánh chiến, bất kể đó là Libya, Syria, Iraq, hay Afghanistan. Hơn nữa, phương pháp tấn công vào người dân vô tội, thông qua những “con sói đơn độc” càng làm cho công tác dự báo thêm khó khăn, nhất là tại các quốc gia dân chủ.
Tại Nam Á, các tay súng người Pháp và Algeria đã gia nhập hàng ngũ của IS ở miền Bắc Afghanistan. Tại các khu vực khác như châu Âu, châu Phi, IS cũng đang lên kế hoạch “truyền cảm hứng” cho những “sói đơn độc” để thực hiện các vụ tiến công đẫm máu quy mô lớn với khả năng gây thương vong cao.
Cuộc chiến được dự báo sẽ còn tiếp diễn khi tổ chức cực đoan này chuyển căn cứ hoạt động sang các địa bàn khác cũng như thay đổi các hình thức tuyên truyền, tuyển mộ chiến binh mới.
Chuyên gia về các vấn đề Hồi giáo thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, ông Romain Caillet, cho rằng tuy mất lãnh thổ nhưng IS “vẫn còn nhiều chiến dịch, hệ tư tưởng và một bộ phận phiến quân thánh chiến và bản thân IS đã dự đoán trước kết quả này”.
Ông cũng lưu ý rằng có một sự chuyển dịch tư tưởng giữa IS và Al-Qaeda. Ban đầu, IS chỉ là một nhóm khủng bố mang tính khu vực và Al-Qaeda là một tổ chức xuyên quốc gia. Giờ đây, khi các nhánh Al-Qaeda địa phương ngày càng xích lại gần hơn với tư tưởng quốc gia, thì IS lại chiếm lấy vị trí xuyên quốc gia của Al-Qaeda, qua đó dấn thân vào một cuộc chiến toàn diện chống cả thế giới.
Trong những ngày chuẩn bị đón năm mới, trước thực trạng trên, các nước châu Âu và Mỹ liên tục tăng cường các biện pháp siết chặt an ninh.