Năm 2016, cả nước có 50 vụ ô nhiễm môi trường gây bức xúc

Trong số 584 cụm công nghiệp đang hoạt động chỉ có khoảng 52 cụm có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại là tự xử lý hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường.
 
Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) xả thải là một trong những vụ ô nhiễm môi trường gây bức xúc
Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) xả thải là một trong những vụ ô nhiễm môi trường gây bức xúc

Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường vừa được Chính phủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội đang tham dự kỳ họp thứ 3.

Theo đó, trong số 584 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 13.200 ha, mới chỉ có khoảng 52 cụm đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại là tự xử lý hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường.

Cả nước mới có 216 khu công nghiệp (tỷ lệ 76%) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 67 khu công nghiệp chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Có 36 cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao, cần phải được giám sát đặc biệt và 132 dự án, cơ sở, khu sản xuất tập trung cần phải kiểm soát thường xuyên thuộc các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Những lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp “đen” về môi trường là khai thác, chế biến khoáng sản; luyện kim, sản xuất thép; nhiệt điện; sản xuất pin, ắc quy; thuộc da; lọc hóa dầu; sản xuất giấy, bột giấy; xi mạ; nhuộm, dệt nhuộm; chế biến thủy sản; chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; chế biến mía đường; xử lý chất thải...

Trong năm 2016, trên toàn quốc có khoảng 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm.

Bản báo cáo dành một phần riêng báo cáo về giải quyết sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Theo đó, kết quả cuộc họp hội đồng liên ngành ngày 10-5 vừa qua cho thấy, đến nay Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã khắc phục xong 52/53 lỗi, riêng lỗi chuyển đổi phương pháp làm nguội cốc từ ướt sang khô sẽ hoàn thành vào tháng 6-2019 theo như cam kết. Quá trình giám sát việc khắc phục vi phạm của Formosa sẽ còn tiếp tục cho đến khi Formosa hoàn thành chuyển đổi công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô.

Formosa cũng đã được yêu cầu lập, thực hiện kế hoạch khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường và kế hoạch giám sát môi trường, đảm bảo các công trình bảo vệ môi trường của Formosa đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Chính phủ cũng cho biết thêm, Formosa đã đầu tư trên 1 tỷ USD vào các hạng mục cải thiện, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, và các công trình của công ty này đã cơ bản đáp ứng điều kiện để đưa lò cao số 1 vào vận hành thử nghiệm.

Tin cùng chuyên mục