Củng cố ngành công nghiệp bán dẫn
Theo báo Bloomberg, dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã triển khai rộng rãi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong nỗ lực loại bỏ các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có Huawei Technologies Co., để ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ thiết bị và phần mềm quan trọng. Hiện nay, Tổng thống Biden tiếp tục các nỗ lực của người tiền nhiệm, thậm chí còn mở rộng hơn.
Cuối tháng 7 vừa qua, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học (CHIPS & Science Act) trị giá 280 tỷ USD, có hiệu lực ngay sau khi Tổng thống Joe Biden ký vào ngày 9-8.
Ngành công nghiệp bán dẫn do Mỹ thành lập sớm nhất, nhưng theo ước tính của ngân hàng JPMorgan Chase, hiện có tới 80% số chip được sản xuất ở châu Á, sản lượng chip do Mỹ sản xuất trên thị trường đã giảm từ 37% vào năm 1990 xuống chỉ còn 12% trong năm ngoái. Do vậy, Đạo luật CHIPS và Khoa học được kỳ vọng có thể hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ và báo hiệu một “chiến trường” mới đang xuất hiện, đó là chip bán dẫn - thành phần không thể thiếu trên điện thoại thông minh, máy tính, ô tô, thiết bị gia dụng và nhiều sản phẩm điện tử khác.
Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ phân bổ 52 tỷ USD để nâng cao sản lượng bán dẫn, đồng thời cung cấp các ưu đãi như giảm thuế đầu tư cho nhà sản xuất. Đổi lại, những doanh nghiệp nhận trợ cấp không được xây dựng nhà máy sản xuất mới hoặc mở rộng năng lực sản xuất của quy trình tiên tiến ở Trung Quốc trong vòng 10 năm.
Chiến lược trì hoãn là trước tiên
Theo JJ Park, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ châu Á của JPMorgan, Đạo luật CHIPS và Khoa học có khả năng thúc đẩy nhiều công ty đưa nhà máy đến Mỹ, giảm thiểu việc lắp đặt nhà máy tại Trung Quốc. Hiện nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới của Đài Loan là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) đang xây dựng một cơ sở trị giá 12 tỷ USD ở bang Arizona.
Một nhà sản xuất Đài Loan khác là GlobalWafers gần đây cũng đã cam kết dành 5 tỷ USD để xây dựng nhà máy ở Texas. Trước đó, SK Group và Samsung của Hàn Quốc cũng bắt đầu tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Mỹ bằng các kế hoạch hàng chục tỷ USD để xây dựng nhà máy. Các công ty bán dẫn trong nước như Intel cũng làm điều tương tự.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc vẫn là nước có năng lực sản xuất chip phát triển nhanh nhất. Năm 2020, lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc đại lục vẫn “kẻ tám lạng, người nửa cân”, nhưng năm 2021 năng lực sản xuất chip của Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc và Đài Loan, chiếm vị trí quán quân toàn cầu.
Mới tháng trước, China’s Semiconductor Manufacturing International Corp. dường như đã nâng cao công nghệ sản xuất của mình lên hai thế hệ, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong một lưu ý gần đây, hai nhà phân tích Joseph Moore và Scott Fessler của Morgan Stanley đã thận trọng cho rằng, các công ty sẽ tiến vào nước Mỹ nhờ chính sách tốt. Nhưng việc thay thế Trung Quốc trong một sớm một chiều là không hề dễ dàng.