Myanmar cần duy trì tiến trình, thể chế dân chủ

Sau cuộc họp khẩn vào ngày 5-2, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã ra Tuyên bố chung kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều người khác đang bị giam giữ, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về cuộc chính biến tại quốc gia Đông Nam Á này.
 Sân bay quốc tế ở Yangon tạm đóng cửa. Ảnh: Myanmar Times
Sân bay quốc tế ở Yangon tạm đóng cửa. Ảnh: Myanmar Times

Phản ứng dè dặt

Theo Tuyên bố chung, 15 thành viên HĐBA LHQ nhất trí “cần duy trì tiến trình và các thể chế dân chủ, kiềm chế bạo lực và tôn trọng các quy định của pháp luật”. Bà San Suu Kyi, 75 tuổi, đã bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm Luật Xuất nhập khẩu, trong khi Tổng thống U Win Myint bị bắt giữ với cáo buộc ông và gia đình gặp gỡ một số người trong chiến dịch tranh cử của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền vào ngày 20-9-2020.

Ông U Win Myint cũng bị buộc tội vi phạm các biện pháp liên quan đến dịch Covid-19 theo Luật Xử lý thiên tai. Cảnh sát Myanmar yêu cầu tòa án ra lệnh tạm giam 2 nhân vật này trong 15 ngày, từ 1-2 đến 15-2. Ngay sau đó, NLD đã đưa ra tuyên bố trên mạng xã hội, yêu cầu giới lãnh đạo quân sự trả tự do cho ông U Win Myint và bà San Suu Kyi, thừa nhận kết quả của cuộc tổng tuyển cử năm 2020 và ngăn chặn xáo trộn đang cản trở quá trình triệu tập kỳ họp quốc hội thứ 3.

Hôm 1-2, quân đội Myanmar đã can thiệp nhằm ngăn chặn quốc hội triệu tập phiên họp đầu tiên và thông qua chính phủ mới của NLD. Văn phòng Tổng thống Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm sau khi quân đội Myanmar bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng, bang và các thành viên cấp cao của đảng NLD. 

Ngay sau chính biến diễn ra tại Myanmar, Tổng thống Mỹ Joe Biden và giới chức Nhà Trắng tuyên bố sẽ trừng phạt quân đội Myanmar, kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc giục quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực họ đang nắm giữ… Tuy nhiên, dư luận trong chính giới Mỹ cho rằng đây là phản ứng dè dặt. Trong khi đó, Trung Quốc và một số nước trong khu vực tuyên bố theo hướng trung dung: Đây là việc nội bộ của Myanmar. 

Ảnh hưởng tâm lý

Hiện ở Naypyidaw hầu hết hoạt động xã hội diễn ra bình thường, nhưng an ninh được duy trì nghiêm ngặt. Xe tăng án ngữ lối vào tòa nhà quốc hội và binh lính đứng gác bên ngoài một nhà khách chính phủ. Theo báo Nhà nước Myanmar Global New Light, thông tin liên lạc trên cả nước vẫn gián đoạn, ngân hàng đã mở cửa trở lại.

Trong khi đó, đội ngũ y bác sĩ tại hàng loạt bệnh viện ở Myanmar đình công từ ngày 3-2 phản đối cuộc đảo chính. Các bác sĩ khẳng định họ không làm việc dưới một chính phủ do quân đội lãnh đạo và kêu gọi lập tức thả Cố vấn nhà nước San Suu Kyi cùng Tổng thống U Win Myint. 

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài cũng cảm thấy bất an. Để đảm bảo an toàn cho công nhân, Tập đoàn Motor Suzuki, Nhật Bản thông báo ngừng hoạt động 2 nhà máy ở Myanmar. Công ty sẽ sản xuất trở lại khi thấy đảm bảo an toàn cho người lao động, song chưa biết lúc nào. Stephen Lamar, Chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ, cho biết nhiều thành viên thuộc hiệp hội đang kinh doanh tại Myanmar bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình hiện nay.

Tất cả chuyến bay đến và rời Myanmar đều bị tạm ngưng. Theo thông báo gửi tới phi công đoàn Myanmar (NOTAM), tất cả phi công đã được yêu cầu không bay nếu không được cho phép. Tất cả giấy phép trước đây cho hạ cánh và cất cánh ở Myanmar đã bị thu hồi, kể cả các chuyến bay cứu trợ quốc tế và nội địa. Theo NOTAM, mọi chuyến bay bị treo và các sân bay sẽ bị đóng cửa tới 23 giờ 59 ngày 31-5.

Tin cùng chuyên mục