Phát biểu sau cuộc hội đàm ngày 12-2 với các Ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc ở Hawaii, ông Blinken cho biết: "Cách để Moskva thể hiện mong muốn theo đuổi đối thoại rất đơn giản, họ chỉ cần giảm căng thẳng".
Trước đó, trong cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ Washington vẫn sẵn sàng chọn con đường ngoại giao trong lúc chuẩn bị các phương án khác. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cũng đồng ý tiếp tục đối thoại, tuy nhiên nhấn mạnh Moskva vẫn chưa thấy sự tích cực của các nước phương Tây trong việc hối thúc Kiev thực thi thỏa thuận Minsk, vốn được coi là hướng đi khả thi cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine. Thỏa thuận này được nhóm Bộ tứ Normandy, gồm các nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức, ký năm 2015 nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Trong một phát biểu ngày 12-2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng nhấn mạnh, nếu Mỹ và phương Tây không giải quyết được những quan ngại an ninh cơ bản của Nga, sẽ khó có thể hạ nhiệt căng thẳng và xây dựng cấu trúc an ninh của châu Âu.
Liên quan đến tình hình Ukraine, trong bối cảnh có thêm nhiều nước ban bố cảnh báo đi lại đến Ukraine do lo ngại xung đột bùng phát, ngày 13-2, Kiev khẳng định sẽ không đóng cửa không phận nước này.
Căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga và phương Tây thời gian gần đây khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Phía Moskva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái gây leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Theo quan điểm của Moskva, việc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine cũng đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.