Tuyên bố cứng rắn
Theo CNN, các cuộc tấn công của Mỹ sẽ là động thái trả đũa vụ tấn công bằng máy bay không người lái, do nhóm Kháng chiến Hồi giáo Iraq được Iran hậu thuẫn thực hiện, nhằm vào căn cứ quân sự Tháp 22 của Mỹ ở Jordan hôm 28-1, khiến 3 binh sĩ thiệt mạng và 34 người khác bị thương.
Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn lời 4 quan chức Mỹ nhận định, khả năng chiếc máy bay không người lái được sử dụng để tấn công Tháp 22 hôm 28-1 được sản xuất tại Iran. Nhận định này dựa trên việc phân tích các mảnh vỡ từ chiếc máy bay tại hiện trường, nhưng phía Mỹ không tiết lộ chi tiết tên của loại vũ khí này. Với phát hiện đó, Mỹ quyết tâm buộc Iran phải chịu trách nhiệm cho việc hỗ trợ các nhóm dân quân đã tiến hành vụ tấn công trên.
Về phía Iran, ngày 2-2, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nêu rõ: Chúng tôi sẽ không bắt đầu bất kỳ cuộc chiến nào, nhưng nếu ai muốn bắt nạt, họ sẽ hứng chịu sự đáp trả mạnh mẽ. Ông Hossein Salami, Chỉ huy trưởng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, cho biết, Tehran không sợ đối đầu quân sự trực tiếp với Washington nhưng cũng không tìm kiếm chiến tranh với Mỹ. Theo hãng thông tấn chính thức IRNA, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian kêu gọi Mỹ ngừng sử dụng ngôn ngữ đe dọa Iran và tập trung vào một giải pháp chính trị. Ông Amir-Abdollahian khẳng định, phản ứng của Iran trước các mối đe dọa là dứt khoát và ngay lập tức.
Lằn ranh đỏ
Trong khi đó, các nước như Nga, Trung Quốc, Ai Cập, Saudi Arabia… đều lên tiếng lo ngại về diễn biến căng thẳng mới giữa Mỹ và Iran.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga không hoan nghênh bất kỳ hành động nào dẫn đến mất ổn định trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng, nhất là trong bối cảnh có nguy cơ xung đột quá mức.
Theo ông Peskov, cần có các bước đi để giảm căng thẳng thay vì gây bất ổn cho khu vực rộng lớn hơn. Theo báo Wall Street Journal, cả Washington và Tehran đều không tỏ ra mong muốn một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp. Đối với chính phủ của ông Biden, việc tấn công lực lượng bán quân sự của Iran có nguy cơ dẫn đến một cuộc phản công chống lại quân đội Mỹ hoặc các căn cứ ở Trung Đông từ kho vũ khí tên lửa và máy bay không người lái tiên tiến đáng gờm của Tehran.
Hơn nữa trong năm bầu cử tổng thống, Nhà Trắng đang tìm cách tránh mở rộng cuộc chiến ở Dải Gaza giữa Israel và Hamas thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn. Đối với Iran, chiến tranh với Mỹ cũng là điều cần cân nhắc. Nếu Iran cố gắng kiềm chế lực lượng mà nước này ủng hộ ở Iraq, Yemen, Syria và Lebanon thì sẽ có nguy cơ làm giảm giá trị tuyên bố dẫn đầu cái gọi là “trục kháng cự” của dân quân và các đồng minh thân thiện ở Trung Đông chống lại Mỹ và Israel. Nhưng nếu đối đầu trực tiếp với nước Mỹ hùng mạnh hơn, Iran sẽ phải đối mặt với nguy cơ tổn thất không nhỏ kèm theo lệnh cấm vận bị siết chặt hơn.
Theo ông Gerald Feierstein, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, mỗi bên đang cố gắng điều chỉnh việc sử dụng vũ lực như một cách nỗ lực thay đổi hành vi của bên kia, nhưng đều không muốn vượt qua lằn ranh đỏ.