Mỹ tung gói trừng phạt mới đối với nhiều cá nhân, doanh nghiệp

Nga cho rằng gói trừng phạt mới do Mỹ đưa ra nhằm vào Moscow là động thái của một cuộc chiến thương mại, đồng thời kiếm cớ kiềm chế Trung Quốc.

Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu. Trong ảnh là cảng Savannah thuộc bang Georgia, Mỹ. Ảnh: REUTERS
Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu. Trong ảnh là cảng Savannah thuộc bang Georgia, Mỹ. Ảnh: REUTERS

Tái phân phối thị trường

Ngày 4-5, phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Việc Mỹ công bố gói trừng phạt mới chống Nga là một cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra mạnh mẽ nhằm tái phân phối thị trường, nhằm cho phép Mỹ duy trì tốc độ phát triển của riêng họ. Việc thiếu nguồn lực thích hợp đã đẩy họ đến những hành động hung hăng như vậy”. Theo bà Zakharova, các biện pháp trừng phạt mới có thể được coi là một nỗ lực của Mỹ nhằm “duy trì vai trò lãnh đạo trong trường hợp không có cơ hội thực hiện điều này một cách hợp pháp”.

Hôm 1-5, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một gói trừng phạt mới nhằm vào Nga. Danh sách trừng phạt bao gồm 29 cá nhân và hơn 250 pháp nhân từ một số quốc gia. Chính quyền Mỹ nói rằng các lệnh trừng phạt nhắm vào tổ hợp công nghiệp - quân sự của Nga. Ngoài ra, 20 doanh nghiệp có trụ sở tại Hong Kong và Trung Quốc đại lục cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt mới nhất của Mỹ. Theo Bộ Tài chính Mỹ, lệnh trừng phạt nhắm đến các doanh nghiệp, tổ chức bị cho là lách lệnh trừng phạt để hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Ngoài Trung Quốc, nhiều công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng bị trừng phạt vì Washington nghi ngờ những công ty này đã có hành vi hỗ trợ Nga.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết suốt thời gian qua, Washington đã liên tục cảnh báo rằng bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi hỗ trợ Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine sẽ phải đối mặt các biện pháp trừng phạt thích đáng từ Mỹ và các đồng minh phương Tây. “Trong các chuyến thăm Trung Quốc gần đây của tôi và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, chúng tôi đã cảnh báo các cá nhân và tổ chức của nước này không nên mua bán hoặc đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng Nga. Tuy nhiên, dường như họ đã phớt lờ lời cảnh báo của chúng tôi, và giờ đây nhiều cá nhân, tổ chức của Trung Quốc đã bị trừng phạt”, bà Yellen nói thêm.

Phản ứng của các bên

Theo Reuters, hầu hết các thực thể bị trừng phạt đều liên quan cáo buộc có hành vi hỗ trợ vận chuyển hoặc mua bán công nghệ, thiết bị điện tử, các bộ phận sản xuất máy bay không người lái (UAV), cũng như chất nổ để sản xuất đạn dược cho Nga. Phản ứng về động thái trên của Mỹ, ngày 1-5, ông Lưu Bằng Vũ, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, cho biết chính quyền Bắc Kinh kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương, vô lý của Mỹ. “Các cá nhân, tổ chức nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ chỉ thực hiện các tương tác kinh tế và thương mại với Nga. Điều này là phù hợp với nguyên tắc thị trường của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Biện pháp trừng phạt của Mỹ rõ ràng là bất hợp pháp”, ông Lưu nói.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng Nga đã tác chiến bằng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột Ukraine. Ông Peskov khẳng định các tuyên bố này là vô căn cứ và không có bất cứ bằng chứng nào; đồng thời nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục tuân thủ các trách nhiệm quốc tế. Theo thông cáo đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho rằng việc Mỹ trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc, mà Washington cho là có hành vi hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, thực chất là cái cớ để kiềm chế Bắc Kinh.

Tin cùng chuyên mục