Động thái này cho thấy, đây là một bước của Chính phủ Mỹ dần rút sự can dự của nước này ra khỏi các cuộc xung đột, trước mắt là “bãi lầy” Syria.
Liên minh phòng chống IS gánh trách nhiệm
Ngày 17-8, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Trung Đông David Satterfield nêu rõ, trong tương lai Mỹ sẽ không hỗ trợ tái thiết Syria nếu không có sự xác nhận của Liên hiệp quốc (LHQ) về “quá trình chuyển đổi chính trị không thể đảo ngược” tại quốc gia Trung Đông này.
Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh “đóng băng” khoản kinh phí 230 triệu USD dành cho tái thiết Syria, sau khi ông tuyên bố muốn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Trung Đông này. Đến tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo ngừng cấp kinh phí cho các chương trình ổn định ở khu vực Tây Bắc Syria, khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gần như đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi khu vực này. Động thái rút tài trợ của Mỹ được cho là một dấu hiệu Washington đang dần tính toán chấm dứt sự can dự cũng như giảm cam kết của Mỹ tại Syria. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuyển hướng khoản tài trợ trị giá 230 triệu USD nhằm ổn định Syria cho các mục tiêu đối ngoại khác.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định quyết định trên của Washington sẽ không làm giảm bớt các cam kết của Mỹ đối với các mục tiêu chiến lược tại Syria. Khoản tiền cắt giảm kể trên sẽ được bù đắp bằng số tiền lên đến 300 triệu USD do các nước đối tác trong liên minh phòng chống IS cung cấp, trong đó Saudi Arabia cam kết hỗ trợ 100 triệu USD. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngay lập tức hoan nghênh sự đóng góp của Saudi Arabia nhằm giúp hồi sinh các thành phố bị IS tàn phá như Raqqa. Các khoản đóng góp của các nước đối tác được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump để chia sẻ gánh nặng trong tái thiết sự ổn định ở Syria và bảo vệ các thành quả đạt được trong cuộc chiến chống IS.
Để lại “tàn dư IS”
Sau thất bại ở Aleppo, quân nổi dậy đã phải co cụm về tỉnh Idlib, nơi họ ngày càng bị cô lập và dễ bị dồn vào con đường cực đoan hóa. Đây là khu vực mà al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác chiếm ưu thế.
Việc rút khỏi Syria đã từng được giới chức Mỹ tính đến, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Chính giới chức Mỹ thừa nhận họ gần như không còn cơ hội để tạo bước đột phá để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài trong gần 7 năm qua ở Syria. Theo giới quan sát, Mỹ đã từng rút khỏi nhiều cuộc chiến để tránh sa lầy thì việc người Mỹ để lại “nhà nước IS” và lực lượng khủng bố quốc tế cho Nga giải quyết mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ, để rời đi thì cũng chẳng có gì lạ. Đó được coi là chiến lược khôn ngoan đầy thực dụng của Mỹ. Tổng thống Syria Bashar al-Assad đặt mục tiêu giành quyền kiểm soát lại Idlib, khu vực lớn nhất phía Tây Bắc vẫn nằm trong tay quân nổi loạn.
Cùng ngày, phát biểu với báo giới, Thủ tướng Đức Merkel đã đề cập khả năng tổ chức một cuộc gặp 4 bên về tình hình Syria, với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp và Đức. Ý tưởng này do Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất. Bà Merkel nhấn mạnh rằng hiện đã có hai hình thức chính cho các cuộc đàm phán về Syria và cả hai đều được trao đổi chặt chẽ với ông Staffan de Mistura, Đặc phái viên LHQ về Syria. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay, do đây là một hội nghị mang ý nghĩa lớn với sự tham gia của Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nên cần có sự chuẩn bị tốt, do đó đến nay chưa thể ấn định được thời gian cụ thể.