Chặn nguy cơ gia tăng xung đột kinh tế
Theo tuyên bố từ phía Nhà Trắng, Mỹ và Trung Quốc thống nhất sẽ tiến hành các đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý trì hoãn việc tăng thuế lên mức 25% từ mức 10% hiện nay đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc như đã thông báo trước đó.
Ngược lại, Trung Quốc đã đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ xem xét việc phê duyệt thỏa thuận mua lại hãng bán dẫn NXP Semiconductors của nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm mà trước đây nước này không thông qua do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng gây sức ép với Trung Quốc khi tuyên bố nếu trong vòng 90 ngày, 2 bên không đạt được thỏa thuận về các vấn đề thương mại như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, đánh cắp công nghệ và nông nghiệp, 2 bên đồng ý Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% lên 25%.
Phát biểu họp báo sau khi kết thúc cuộc gặp giữa 2 bên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhận định, thỏa thuận quan trọng nói trên đã ngăn chặn nguy cơ gia tăng xung đột về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời mở ra cơ hội mới cho hợp tác cùng thắng. Ông Vương Nghị cũng cho biết tại cuộc gặp, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí rằng Trung Quốc và Mỹ có thể và cần phải đảm bảo sự thành công trong mối quan hệ song phương.
Giới quan sát đánh giá tuyên bố mới nhất từ phía Mỹ và Trung Quốc thể hiện bầu không khí hòa dịu khác với các cuộc đàm phán thương mại giữa 2 nước thời gian qua. Cuộc hội đàm tại Buenos Aires, Argentina là cuộc gặp lần đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa 2 nước bắt đầu vào tháng 7, liên tiếp áp thuế nhập khẩu trả đũa lẫn nhau. Gần 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã bị tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng áp thuế lên gần 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Ủng hộ cải tổ WTO
Tín hiệu mới trong quan hệ thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc được xem là một trong những điểm nhấn tích cực của Hội nghị G20 năm nay. G20 cũng đã chính thức khép lại với việc thông qua tuyên bố chung, khẳng định sự đồng thuận trong những vấn đề được coi là gai góc nhất và có nhiều sự khác biệt nhất như thương mại quốc tế, bảo vệ môi trường và di cư.
Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng thống nước chủ nhà Mauricio Macri khẳng định, việc các nước thành viên đạt được sự đồng thuận trong tuyên bố chung phản ánh sự cần thiết phải hồi sinh thương mại quốc tế và những lo ngại về hậu quả của biến đổi khí hậu. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 khẳng định thương mại quốc tế và đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới, tạo việc làm và phát triển, đồng thời thừa nhận sự đóng góp của hệ thống thương mại đa phương để thực hiện mục tiêu này. Cho rằng hệ thống hiện nay chưa thực hiện tốt vai trò của mình, các nhà lãnh đạo G20 bày tỏ sự ủng hộ với một sự cải tổ cần thiết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của mình
Kết thúc hội nghị, Argentina đã chuyển giao vai trò Chủ tịch luân phiên cho Nhật Bản, nước chủ nhà của hội nghị G20 năm 2019.