Hãng CNN ngày 9-8 (giờ Việt Nam) dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Triều Tiên tốt nhất không nên có thêm đe dọa nào nữa với Mỹ. Họ sẽ vấp phải hỏa lực, cơn thịnh nộ và sức mạnh mà thế giới chưa từng thấy”.
Tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Donald Trump được đưa ra sau khi tờ Washington Post dẫn tình báo nước này đánh giá Triều Tiên đã sản xuất được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ.
Hòn bấc đi, hòn chì lại
Đáp trả tuyên bố cứng rắn trên của ông Donald Trump, Lực lượng chiến lược Triều Tiên ngày 9-8 tuyên bố “đang kiểm tra kỹ lưỡng kế hoạch hoạt động để tấn công với hỏa lực bao trùm các khu vực xung quanh đảo Guam bằng Hwasong-12, tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung tới tầm xa”. Lực lượng này cho rằng cần khống chế các căn cứ quân sự lớn của Mỹ tại Guam, trong đó có căn cứ không quân Anderson, nơi đóng quân của các máy bay ném bom chiến lược Mỹ.
Hãng Thông tấn Triều Tiên cho biết kế hoạch trên sẽ sớm được báo cáo lên Tư lệnh tối cao sau khi được kiểm tra toàn diện, hoàn tất và sẽ được đưa vào thực hiện “đồng thời, liên tiếp”, theo lệnh của lãnh đạo Kim Jong-un. Trong thông báo khác, quân đội Triều Tiên cảnh báo nước này sẵn sàng chiến tranh tổng lực nếu Washington thực hiện “chiến tranh phòng ngừa” với Bình Nhưỡng.
Giới phân tích cho rằng, cách phản ứng của ông Donald Trump đã khiến Triều Tiên cảm thấy bất an hơn và càng quyết tâm sở hữu vũ khí hạt nhân hơn. Bình luận viên Zack Beauchamp của Vox thì cho rằng giọng điệu của ông Donald Trump trong lời đe dọa này không khác mấy so với những ngôn từ mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un sử dụng trong những thông điệp cứng rắn gửi tới Mỹ. Với tuyên bố này, Tổng thống Mỹ đã vô tình vạch ra một giới hạn đỏ. Từ sau Thế chiến hai, chính sách đối ngoại của Mỹ luôn bao gồm lời răn đe tấn công hạt nhân phủ đầu vào các đối thủ, nhưng các đời tổng thống Mỹ đều rất thận trọng trong việc vạch ra giới hạn đỏ để biến răn đe thành hành động.
Các chuyên gia của Boston Globe nhận định lời đe dọa của ông D.Trump cũng có nguy cơ kích động Triều Tiên trả đũa bằng biện pháp quân sự, vốn có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho đồng minh Hàn Quốc và lực lượng Mỹ đồn trú ở đây. Nếu các lãnh đạo Bình Nhưỡng cho rằng tuyên bố của Donald Trump là nghiêm túc, họ có thể không ngồi chờ cho đến lúc bị tấn công, mà sẽ phát động đòn tấn công phủ đầu nhắm vào hàng triệu dân thường Hàn Quốc và hàng ngàn lính Mỹ.
Thị trường biến động
Ngày 9-8, tỷ giá giao dịch giữa đồng yen của Nhật Bản và USD của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 8 tuần qua sau cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong phiên giao dịch buổi sáng, USD đã giảm 0,4% giá trị so với đồng yen, với tỷ giá 1 USD đổi 109,890 yen. Đồng AUD cũng giảm tới 1% xuống mức 1AUD đổi 86,43 yen. Trong khi đó, đồng won của Hàn Quốc đã giảm hơn 0,8% xuống còn 1.135,6 won đổi 1 USD.
Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Tokyo giảm mạnh. Chỉ số Nikkei 225 giảm 1,28% xuống mức 19,739.88 điểm trong khi chỉ số Topix giảm 1,26% xuống 1,614.73 điểm. Cổ phiếu ở gần như toàn bộ 33 lĩnh vực đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là các mã về kho bãi, công nghiệp kim loại và hóa chất. Cùng xu hướng với chứng khoán Tokyo, chỉ số Hang Seng của Hồng Công, Trung Quốc giảm 0,5%, còn chỉ số Shanghai - Composite tại Thượng Hải giảm 0,3%, trong khi chỉ số chứng khoán Seoul giảm gần 1% so với phiên trước.
Giá vàng thế giới cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần qua. Tại New York (Mỹ), giá vàng giao ngay có thời điểm rơi xuống 1.251,01 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 26-7, giá vàng Mỹ giao tháng 12-2017 giảm 0,17% xuống 1.262,60 USD/ounce.