Bước tiến lớn
Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh đây là một “bước tiến lớn” và lực lượng này sẽ làm nhiệm vụ tại biên giới Mỹ - Mexico cho đến khi Mỹ hoàn tất bức tường an ninh tại đây. Trước đó, ông Trump đã có lần đề cập đến việc huy động quân đội tuần tra đường biên giới Mỹ - Mexico dài 3.200km trong suốt thời gian xây dựng bức tường. Trong một tuyên bố cùng ngày, Nhà Trắng khẳng định Lực lượng Vệ binh quốc gia sẽ tham gia vào chiến lược xây dựng tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Là một phần trong nguồn lực quân đội Mỹ, Lực lượng Vệ binh quốc gia nước này hoạt động độc lập và chỉ tham gia hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật.
Việc triển khai quân đội ở biên giới là động thái không bình thường nhưng cũng đã có tiền lệ. Hai đời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama và George Bush cũng từng triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia ở biên giới để giúp ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp. Lúc đó là biện pháp tạm thời để giành sự ủng hộ của các khối cử tri bảo thủ đối với việc cải tổ chính sách nhập cư vốn đang là kẽ hở để hàng triệu người nhập cư tìm cách xin quốc tịch Mỹ.
Tuy nhiên, theo NY Times, chủ trương này của Tổng thống Donald Trump sẽ gặp không ít trở ngại do đạo luật Posse Comitatus hiện hành hạn chế việc huy động quân đội Mỹ và một số lực lượng vũ trang khác hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật dân sự trên lãnh thổ Mỹ ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt và phải được Quốc hội phê chuẩn. Lực lượng Tuần tra biên giới (USBP), không thuộc biên chế của quân đội Mỹ, hiện có nhiệm vụ bảo vệ khu vực biên giới với Mexico.
Lỗ hổng pháp lý hay gia tăng sức ép?
Trong tuyên bố ngày 3-4, Tổng thống Donald Trump còn chỉ trích Mexico xúi giục và thu lợi từ dòng người di cư bất hợp pháp khi nước này trở thành điểm trung chuyển, cho phép các đoàn người di cư từ các nước Trung Mỹ đi qua để vào Mỹ.
Đáp lại, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray cho rằng ông chủ Nhà Trắng muốn gây sức ép với Mexico trong tiến trình đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa hai nước này và Canada. Trước đó, ông Trump cảnh báo sẽ rút khỏi thỏa thuận NAFTA nếu Mexico không tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Tuy nhiên, trong một thông cáo chung, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Mexico khẳng định chính sách di dân của nước này được xác định là chủ quyền và không bao giờ thúc đẩy di cư bất thường. Giới chức nước này khẳng định sẵn sàng cùng Mỹ tìm giải pháp phù hợp.
Trong những ngày gần đây, Tổng thống Donald Trump quay lại quan điểm cứng rắn đối với vấn đề nhập cư, rút lại những nỗ lực trong việc thỏa hiệp với đảng Dân chủ khi cho rằng chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama và Quốc hội Mỹ chưa có biện pháp mạnh tay, tạo ra lỗ hổng pháp lý về việc bảo vệ biên giới. Tuần trước, Tổng thống Donald Trump tuyên bố “đóng cửa” với thỏa thuận bảo vệ người nhập cư bất hợp pháp đến Mỹ khi còn nhỏ (được gọi là chương trình DACA).
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra sau khi ông không thể thuyết phục Quốc hội Mỹ cấp 25 tỷ USD ngân sách để xây dựng bức tường biên giới với Mexico. Do vậy, giới phân tích cho rằng, ông Donald Trump đang gia tăng áp lực để cải tổ chính sách nhập cư sau thất bại khi chưa có thỏa thuận nào giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ được phê duyệt. Khả năng những đạo luật quan trọng được thông qua trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, diễn ra vào tháng 11 năm nay là rất khó.