Theo dự luật áp thuế mới do Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden công bố, các tập đoàn có lợi nhuận cao nhất của Mỹ sẽ bị áp khoản thuế tối thiểu 15%. Khoản thuế trên dự kiến nhắm vào khoảng 200 công ty có lợi nhuận trên 1 tỷ USD hàng năm, trong thời gian 3 năm.
Bên cạnh đó, còn có mức thuế tỷ phú áp lên những cá nhân có tài sản chưa được thực nhận ước trị giá hơn 1 tỷ USD và 3 năm liên tiếp có thu nhập hàng năm 100 triệu USD. Mức thuế được đề xuất là 23,8% đối với thu nhập từ đầu tư dài hạn từ các tài sản có thể giao dịch của giới siêu giàu, cho dù những tài sản này đã được bán lại hay chưa, nhưng nó cũng cho phép người nộp thuế khấu trừ các tổn thất đối với tài sản.
Dự kiến, đề xuất thuế này ảnh hưởng đến khoảng 700 tỷ phú Mỹ có tài sản trên 1 tỷ USD hoặc thu nhập 100 triệu USD mỗi năm trong 3 năm liên tiếp. Phía đảng Dân chủ khẳng định, khoản thuế này sẽ giúp tài trợ cho chính sách xã hội, phân phối lại tài sản từ những người giàu nhất nước Mỹ cho các tầng lớp khác, cũng như hỗ trợ cho các kế hoạch chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Joe Biden.
Trong nội bộ đảng Dân chủ tại Hạ viện cũng có ý kiến không ủng hộ đề xuất này. Một số nghị sĩ muốn giữ các đề xuất trước đó liên quan đến việc tăng thuế suất đối với người giàu và doanh nghiệp. Họ ủng hộ áp mức thuế thu nhập tối thiểu 15% đối với các cá nhân giàu có, tương tự như mức thuế doanh nghiệp mà đảng Dân chủ đề xuất.
Giới chuyên gia thì đặt câu hỏi, liệu Hiến pháp Mỹ có trao cho Quốc hội thẩm quyền đánh thuế của cải hay không. Những người phản đối có thể lập luận rằng lợi nhuận/tài sản chưa thực nhận không phải là thu nhập và không thể bị đánh thuế một cách hợp pháp.
Hiến pháp Mỹ yêu cầu “thuế trực thu” của liên bang - là loại thuế đánh vào những người nộp thuế chứ không phải đối với hàng hóa và dịch vụ - phải được phân bổ hợp lý giữa các bang.
Điều đó có nghĩa, mỗi bang phải xác định một mức thuế bằng nhau trên cơ sở bình quân đầu người, tương tự như cách phân bổ ghế trong Hạ viện. Nhưng điều này là không thực tế trong trường hợp đánh thuế vào các tỷ phú, vì giới siêu giàu tập trung nhiều ở các bang New York và California. Phía đảng Cộng hòa cũng lên tiếng chỉ trích, với lý do nó sẽ ngăn cản sự đổi mới và tinh thần kinh doanh.
Theo Guardian, thống kê cho thấy, tài sản của 400 người trong giới siêu giàu Mỹ đã tăng khoảng 40% trong mùa đại dịch. Đây được cho là cơ sở để đảng Dân chủ thúc đẩy kế hoạch đưa mức áp thuế mới.
Một số nhân vật sẽ nằm trong danh sách bị áp mức thuế mới (nếu được thông qua) là ông chủ Amazon Jeff Bezos, tỷ phú Bill Gates, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, đồng sở hữu Tập đoàn Google Larry Page và Sergey Brin, nhà đầu tư Warren Buffett, gia đình Walton chủ sở hữu Walmart…
Tỷ phú Elon Musk là người lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất, vì cho rằng chính phủ muốn lấy thêm tiền từ giới kinh doanh. Ước tính, nếu dự luật được thông qua, ông Elon Musk sẽ mất 10 tỷ USD mỗi năm.
Đáp lại, Thượng nghị sĩ Wyden tuyên bố đề xuất thuế tỷ phú là công bằng, bởi những người giàu nhất nước Mỹ, nhóm có thể kiếm được gần 2.000 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch, nên đóng góp phần xứng đáng với thu nhập của họ. Những người càng cố gắng cản trở là những người muốn tìm cách tránh nộp thuế.