Nhiều đối tác
Một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ tiết lộ, họ đang làm việc với các đối tác cung cấp LNG ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới từ Bắc Phi, Trung Đông đến châu Á và Mỹ. Vị quan chức này cho rằng, trong trường hợp cần thiết, Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu của châu Âu thông qua các nguồn thay thế trong thời gian còn lại của mùa xuân và mùa đông.
Tờ The Guardian cho biết, Tiểu vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, dự kiến sẽ trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden về khả năng Qatar sẽ cung cấp một số lượng LNG khẩn cấp trong ngắn hạn để giúp bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt nào về nguồn cung từ Nga sang Đức.
Qatar cũng đang tìm cách cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua việc chuyển phần khí dư dôi trong kho ở Đông Á. Nước này hy vọng sẽ trở lại thị trường châu Âu trong bối cảnh sản lượng khai thác khí của Qatar đang tăng lên.
Trong khi đó, ông Keith Pitt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Nước Australia, cho hay, nước này sẵn sàng cung cấp LNG cho châu Âu nếu như căng thẳng ở Ukraine làm gián đoạn nguồn cung từ Nga. Ông Pitt cho biết thêm, Washnington đang đàm phán với các nhà cung cấp Australia và Qatar về việc có thể thay thế khí đốt của Nga tại thị trường châu Âu.
Khó thay thế
Trao đổi với hãng Sputnik, nhà kinh tế Stanislav Mitrakhovich của Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga, kiêm chuyên gia của Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga, nhận định không thể tìm ra giải pháp nào chính thức thay thế cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu. Thậm chí cả những nhà cung cấp gạo cội nhất cũng sẽ không thể thay chỗ Nga trên thị trường khí đốt châu Âu.
“Qatar xuất khẩu khoảng 100-110 tỷ m3 khí đốt/năm, trong khi Nga xuất khẩu khoảng 180 tỷ m3 sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, phần lớn khí đốt Qatar là đưa đến châu Á và 2/3 tiếp xúc là các hợp đồng dài hạn mà nhà cung cấp không thể không hoàn thành. Do đó, việc chuyển hướng xuất khẩu của Qatar sang châu Âu là không thể nếu thiếu sự đồng ý của châu Á. Tính khả thi của kịch bản châu Âu không có khí đốt của Nga là quá phức tạp đến mức không tưởng”, chuyên gia Mitrakhovich nói.
Ngoài ra, kịch bản trên rất khó thực hiện trong tình hình hiện nay bởi trữ lượng khí đốt ở châu Âu ít ỏi, còn giá giao ngay vẫn ở mức cao. “Châu Âu đang trong tình trạng không có nhiều khí đốt trong các kho dự trữ. Trong khi đó, giá trên thị trường giao ngay vẫn ở mức cao. Các công ty mua hàng đang chờ giá hạ xuống. Vào cuối mùa sưởi ấm, tất nhiên giá sẽ giảm, nhưng không phải là nguyên tắc cố hữu. Tôi nghĩ dù có giảm thì mức giá cũng vẫn sẽ cao”, ông Mitrakhovich phân tích.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến tình hình Ukraine cũng đẩy giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10-2014 trong phiên giao dịch ngày 26-1. Tại thị trường New York, giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng 3-2022 tăng 1,75 USD, tức tăng 2%, lên 87,35 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 3-2022 chốt phiên ở mức 89,96 USD/thùng, tăng 2% và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 10-2014, sau khi có thời điểm vượt 90 USD/thùng lần đầu tiên trong 8 năm qua. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp giá dầu thế giới tăng hơn 2%/ngày… Nhà phân tích năng lượng Carsten Fritsch dự báo giá dầu trong ngắn hạn có thể vượt 100 USD/thùng nếu hoạt động vận chuyển dầu mỏ từ Nga bị gián đoạn.
Trong tuyên bố chung sau cuộc đàm phán theo thể thức Normandy tại Paris (Pháp) ngày 26-1, các đại diện chính trị của Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã tái khẳng định cam kết duy trì thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Những ngày gần đây, Mỹ và tổ chức NATO cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Tuy nhiên, Nga luôn bác bỏ và cho rằng đây là động thái làm leo thang căng thẳng vô căn cứ. |