Khủng hoảng Syria, chống IS
Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Jordan, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ và người đồng cấp Jordan sẽ ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng trong những năm tới giữa 2 nước.
Theo hãng thông tấn KUNA của Kuwait, ông Tillerson sẽ gặp Quốc vương nước chủ nhà Abdullah II và Ngoại trưởng Ayman Al-Safadi để thảo luận một loạt vấn đề, trong đó có cuộc xung đột Syria, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố khác, cũng như tiến trình hòa bình Trung Đông. Cũng như vậy, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tillerson sẽ có cuộc gặp với các quan chức cấp cao của nước này nhằm thảo luận một loạt vấn đề khu vực, trong đó có các chiến dịch chống IS và đảng Công nhân người Kurd (PKK) trong bối cảnh các lực lượng Nga và Syria đẩy mạnh chiến dịch không kích nhằm vào các khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở miền Bắc Syria và liên minh chống khủng bố quốc tế do Mỹ đứng đầu không kích các lực lượng ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong chuyến thăm Lebanon, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson sẽ gặp Tổng thống nước này Michel Aoun, Thủ tướng Saad Hariri, Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri để thảo luận về phong trào Hồi giáo Hezbollah cũng như vai trò của phong trào này ở Lebanon và khu vực. Nhân dịp này, ông Tillerson cũng sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ ủng hộ các lực lượng vũ trang Lebanon trong cuộc chiến chống IS và tổ chức khủng bố al-Qaeda, cũng như giúp Lebanon ứng phó với một loạt thách thức, như làn sóng người di cư từ Syria.
Tại Ai Cập, chặng dừng chân cuối cùng của Ngoại trưởng Mỹ, 2 bên sẽ tập trung thảo luận mối quan hệ song phương, những vấn đề cùng quan tâm như cuộc khủng hoảng tại Libya và Syria cũng như cuộc chiến chống khủng bố và vấn đề Israel-Palestine.
Quan ngại Nga, Iran gia tăng ảnh hưởng
Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra chỉ một ngày trước khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) dự kiến đưa ra thảo luận và bỏ phiếu dự thảo nghị quyết yêu cầu ngừng bắn 30 ngày tại Syria, nhằm tạo điều kiện thực hiện phân phát viện trợ nhân đạo khẩn cấp. Dự thảo trên do Thụy Điển và Kuwait đề xuất. Trước đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho rằng áp đặt lệnh ngừng bắn là “không thực tế” vì nhiều khả năng các nhóm vũ trang chống lực lượng Chính phủ Syria không tuân thủ lệnh này. Bộ Ngoại giao Nga, hồi tháng 1, đã lên tiếng hoan nghênh Jordan mang hàng cứu trợ đến trại tị nạn Er-Rukban ở Syria, đồng thời nhắc nhở Mỹ về sự cần thiết phải tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Syria, cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn về quyền nhân đạo quốc tế.
Nhiều nhà quan sát nhìn nhận, vì Mỹ đang mất đi các lợi ích và dần từ bỏ vũ đài Syria nên không những Mỹ đang “đuối” dần mà Israel, đồng minh của Mỹ, cũng bị bỏ lại. Trong khi đó, trục Iran-Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở thành những mối quan ngại lớn hơn đối với Mỹ. Đến nỗi, Mỹ hồi đầu năm loan báo dự tính chi 500 triệu USD từ ngân sách quốc phòng năm 2018 để giúp đỡ về quân sự cho phe đối lập Syria. Và chuyến đi này của ông Tillerson cũng không loại trừ những mục đích như vậy.