Nhiều người kỳ vọng, đây sẽ là một tín hiệu tích cực cho tiến trình chấm dứt bạo lực kéo dài tại quốc gia Nam Á này.
Mở đường cho người Afghanistan đàm phán
Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan Zalmay Khalilzad cho biết, đổi lại việc Mỹ rút quân, Taliban sẽ cam kết không cho phép các tổ chức khủng bố như mạng lưới quốc tế al-Qaeda hoặc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lợi dụng Afghanistan làm “bàn đạp” để tiến hành các vụ tấn công vào Mỹ và những nước đồng minh.
Đặc phái viên Mỹ nói rằng, mục tiêu của dự thảo thỏa thuận trên là giảm bạo lực, hướng tới chấm dứt cuộc chiến đẫm máu tại Afghanistan, song chưa có thỏa thuận ngừng bắn chính thức.
Ông Khalilzad cho biết, điều này tùy thuộc vào các cuộc đàm phán giữa các phe phái Afghanistan. Mục tiêu của các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan, nhiều khả năng sẽ diễn ra tại Na Uy, là đạt được một thỏa thuận chính trị sâu rộng hơn và chấm dứt cuộc chiến giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban. Cho đến nay, Taliban vẫn từ chối đối thoại trực tiếp với chính quyền trung ương Kabul.
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Afghanistan cho biết, Chính phủ Afghanistan sẽ nêu rõ quan điểm của mình với phía Mỹ sau khi nghiên cứu khả năng dự thảo giúp chấm dứt bạo lực ở quốc gia Tây Nam Á này. Trước đó, ông Khalilzad tuyên bố, Mỹ và Taliban đang tiến gần tới một thỏa thuận, qua đó giảm tình trạng bạo lực và mở đường cho người Afghanistan tổ chức hòa đàm với nhau.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đến Brussels nhằm thảo luận với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg về dự thảo thỏa thuận hòa bình cho Afghanistan.
Còn nhiều chông gai
Trước thông tin Mỹ và lực lượng Taliban đạt được dự thảo thỏa thuận hòa bình, hãng thông tấn PTI dẫn phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vijay Gokhale khẳng định, New Delhi luôn ủng hộ một thỏa thuận hòa bình tại Afghanistan nếu thỏa thuận này đảm bảo ổn định và không tạo ra khoảng trống vô chính phủ để các lực lượng khủng bố và các chi nhánh của chúng có thể lợi dụng.
Phát biểu tại buổi họp báo trước chuyến thăm Nga của Thủ tướng Narendra Modi, ông Gokhale cho biết, New Delhi và Moscow có cùng quan điểm về vấn đề Afghanistan. Cả 2 nước đều tin tưởng rằng, bất luận kết quả thảo luận giữa Mỹ và Taliban như thế nào, 2 nước đều hy vọng chứng kiến tình hình chính trị ổn định và các thỏa thuận hòa bình được thực thi tại Afghanistan.
Tuy nhiên, trong lúc các nỗ lực thúc đẩy tiến tới một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 18 năm tại quốc gia Nam Á đang diễn ra, ngày 3-9, thủ đô Kabul của Afghanistan lại rúng động bởi một vụ nổ. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Afghanistan Nasrat Rahimi cho biết, 16 người đã thiệt mạng, 119 người bị thương trong vụ nổ lớn do Taliban tiến hành.
Một chiếc xe tải chở đầy chất nổ đã phát nổ tại một khu dân cư gần Green Village, khu phức hợp quốc tế có trụ sở của các cơ quan cứu trợ và các tổ chức quốc tế ở Kabul.
Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujadid xác nhận, lực lượng này đã thực hiện một cuộc tấn công với sự phối hợp giữa một phần tử đánh bom liều chết và các tay súng tại Kabul.
Mỹ và lực lượng Taliban đã tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình gồm 4 vấn đề chính: Taliban đảm bảo không để cho các nhóm khủng bố và thánh chiến sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tiến hành các vụ tấn công; các lực lượng Mỹ và NATO rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan; đối thoại giữa các bên tại Afghanistan và thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn. Theo giới phân tích, hiện hai bên vẫn đang gặp vướng mắc trong việc giải quyết một số vấn đề, trong đó có chia sẻ quyền lực và tương lai của chính phủ hiện nay tại Afghanistan. |