Sau Âu, đến Á
Mục đích các chuyến đi của Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai là nhằm thảo luận về nhiều vấn đề, từ khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng đối với nền kinh tế kỹ thuật số đến ứng phó với đại dịch.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo hôm 15-11 bắt đầu chuyến công du châu Á bằng một loạt cuộc họp với các quan chức hàng đầu Nhật Bản tại Tokyo và cuộc gặp bàn tròn công nghệ với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Cũng như châu Âu, Nhật Bản mong muốn Mỹ giảm thuế quan đối với thép và nhôm của Nhật Bản nhập khẩu vào Mỹ áp dụng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Bà Raimondo cũng đã khởi động quan hệ Đối tác Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản - Mỹ nhằm tăng cường “khả năng cạnh tranh, khả năng phục hồi và hợp tác an ninh” của hai nền kinh tế. Sau đó, bà Raimondo tới Singapore tham dự các cuộc gặp với các bộ trưởng thương mại của Australia và New Zealand, cũng như với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Trong lúc đó, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thực hiện chuyến thăm châu Á kéo dài 10 ngày đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ với mục tiêu chính là thúc đẩy thương mại song phương với các nước này. Tiếp theo, bà Tai đến Malaysia, một trong những nước cung cấp chất bán dẫn số lượng lớn.
Theo báo Wall Street Journal, những nỗ lực như vậy phản ánh cam kết của Tổng thống Joe Biden, hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và các quốc gia thân thiện ở châu Á. Bà Wendy Cutler, Phó Chủ tịch tại Viện Chính sách xã hội châu Á và là cựu quan chức tại Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ cho biết, giờ đây, chính phủ của ông Joe Biden đã sẵn sàng tập trung vào châu Á về mặt kinh tế sau khi giải quyết xong nhiều mối quan hệ căng thẳng với châu Âu về thuế nhập khẩu thép, nhôm; trợ cấp phụ tùng máy bay và thuế dịch vụ kỹ thuật số tồn tại từ thời Tổng thống Donald Trump.
Cần cơ chế hợp tác khu vực?
Một câu hỏi quan trọng đối với Nhà Trắng là làm thế nào để xây dựng chính sách thương mại với châu Á mà không cần tham gia các hiệp định thương mại khu vực. Thách thức đang gia tăng với Mỹ khi các hiệp định như vậy đang trở nên quan trọng giữa các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có cả Trung Quốc, nhằm thúc đẩy thương mại và định ra các quy tắc mới cho nền kinh tế kỹ thuật số.
Cuối năm 2020, 15 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Australia đã khởi động Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Trung Quốc và Vương quốc Anh gần đây đã đăng ký tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các quan chức chính phủ của ông Joe Biden theo đuổi chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm và cũng sẽ không ký các hiệp định thương mại mới trong khi tập trung vào việc cải thiện nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, dù không tham gia các hiệp định thương mại ở châu Á nhưng Mỹ muốn cạnh tranh với Trung Quốc trên toàn thế giới bằng cách cung cấp mọi thứ, từ cơ sở hạ tầng đến vaccine và năng lượng xanh. Washington đã đưa ra khẩu hiệu “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”, nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, ông Noriyuki Shikata, Thư ký Văn phòng nội các Nhật Bản phụ trách các vấn đề công, cho biết, Nhật Bản hy vọng Mỹ quay trở lại CPTPP, nhất là khi ngày càng nhiều nền kinh tế muốn tham gia CPTPP. Trong một bức thư gửi Tổng thống Joe Biden vào tuần trước, 14 thành viên đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Tài chính Thượng viện đã thúc giục chính phủ tái thiết lập vai trò lãnh đạo trong chính sách thương mại ở châu Á, bắt đầu bằng các cuộc đàm phán về các quy tắc tiêu chuẩn cao cho thương mại kỹ thuật số với các đồng minh.