Tuyên bố của Phó Đô đốc Jim Syring, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA), chịu trách nhiệm phát triển và thử nghiệm hệ thống đánh chặn, gọi kết quả vụ thử ngày 30-5 là "thành tựu đáng kinh ngạc" và là cột mốc quan trọng của một chương trình vốn gặp nhiều trở ngại trong những năm qua.
"Hệ thống này rất quan trọng để bảo vệ đất nước chúng ta, và vụ thử này chứng tỏ rằng chúng ta đủ khả năng đáng tin cậy đánh chặn một mối đe dọa thực sự", Syring cho biết.
Theo AP, vụ thử đầu tiên đánh chặn ICBM đã thành công nhưng không khẳng định rằng trong điều kiện chiến tranh, Mỹ có thể đánh chặn ICBM bắn từ Triều Tiên. Bình Nhưỡng được cho là đang tiến gần khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên ICBM và có thể phát triển công nghệ đủ tinh vi tránh tên lửa đánh chặn.
Chuyên gia khoa học cao cấp Philip Coyle tại Trung tâm Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí (CACNP), lãnh đạo Văn phòng Lầu Năm Góc kiểm tra và đánh giá hoạt động từ năm 1994-2001 và đã nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống phòng thủ tên lửa, cho biết, kết quả là thành công đáng kể của một vụ thử tốn 244 triệu USD mất 3 năm chuẩn bị. Tuy nhiên, đầy chỉ là thành công thứ 2 trong 5 vụ thử đánh chặn tên lửa tầm thấp hơn ICBM kể từ năm 2010.
Vụ thử gần đây nhất vào tháng 6-2014 đã thành công nhưng sau 3 lần liên tiếp thất bại và hồ sơ theo dõi vụ thử này không rõ ràng. Từ khi hệ thống được tuyên bố sẵn sàng cho chiến đấu tiềm năng trong năm 2004, chỉ có 4 trong 9 vụ thử đánh chặn đã thành công.
Đại tá Hải quân Jeff Davis, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết trước vụ thử, đây là một phần trong một chương trình cải tiến liên tục. Lầu Năm Góc vẫn đang tiếp tục nâng cấp công nghệ đánh chặn tên lửa, vốn chưa được thử nghiệm đầy đủ trong điều kiện thực tế.
Trong vụ thử ngày 30-5, MDA đã phóng một tên lửa đánh chặn từ một hầm ngầm tại Căn cứ Không quân Vandenberg ở California, nhắm mục tiêu giả định một ICBM bắn từ một bãi thử trên đảo san hô Kwajalein ở quần đảo Marshall, Thái Bình Dương.
"Cỗ xe hủy diệt" dài 1,5 m từ tên lửa đánh chặn đã bắn trúng đầu đạn mô phỏng của ICBM ở ngoài bầu khí quyển bên trên Thái Bình Dương. Cỗ xe này không mang chất nổ, cả trong vụ thử lẫn trong chiến đấu thực tế, mà phá hủy đầu đạn ICBM bằng lực tác động mạnh.
Hệ thống đánh chặn tên lửa, về bản chất là lá chắn phòng vệ cuối cùng của Mỹ chống một cuộc tấn công bằng ICBM, đã được triển khai từ năm 2004 và đến nay đã tốn hơn 40 tỷ USD, nhưng chưa bao giờ được sử dụng trong chiến đấu hoặc thử nghiệm đầy đủ. Số tên lửa đánh chặn hiện có trong các hầm ngầm tại Fort Greely ở Alaska là 32 và ở Vandenberg, Bắc Los Angeles, California, là 4. Lầu Năm Góc cho biết đến cuối năm nay sẽ có thêm 8 tên lửa đánh chặn, nâng tổng số lên 44.
ICBM có tầm bắn tối thiểu 5.500 km, nhưng một số được thiết kế bắn đến 10.000 km hoặc hơn. Đất liền Mỹ cách Triều Tiên khoảng 9.000 km.