Trước đó, cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ nhằm cứu vãn INF tại Geneva, Thụy Sĩ, đã đổ vỡ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, 2 bên đã không thể nhất trí về bất kỳ vấn đề nào. Tuy nhiên, hãng Reuters đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẵn sàng làm việc để cứu INF và hy vọng Washington sẽ có cách tiếp cận trách nhiệm với các hiệp ước kiểm soát vũ khí.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988.
Theo INF, 2 bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500km).
Ngày 21-10-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa Novator 9M729 và bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi INF.
Ngày 4-12-2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày. Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.