
Mục tiêu giảm nợ
Giáo sư Eric Monnet, Trường Kinh tế Paris (Pháp) nhận định, rất khó để biết Mỹ thực sự đang tính toán những gì, nhưng có thể suy luận được mục tiêu chính: Washington muốn có một cán cân thương mại thặng dư, tức là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.
Có 2 vũ khí giúp Mỹ giảm tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới vào nước này là các hàng rào thuế quan và phá giá đồng USD so với các đồng tiền khác (điều mà Chính phủ Mỹ đã nhắc đến nhiều nhưng chưa thực hiện). Việc làm yếu đi đồng USD đơn giản chỉ làm cho hàng Mỹ rẻ hơn so với hàng của những nơi khác bán sang Mỹ.
Washington qua đó kỳ vọng hàng Mỹ có sức thu hút cao hơn, để có thể xuất khẩu dễ hơn, đồng thời hàng nhập vào Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, nên dân Mỹ sẽ chuộng đồ nội địa. Theo ông Monnet, mục tiêu phá giá đồng tiền, hay ít ra là giữ giá đồng USD ở mức thấp để kích thích xuất khẩu của Mỹ, được coi là giai đoạn hai của một chiến lược quy mô.
Kế hoạch do hai nhân vật chủ xướng là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và ông Stephen Miran, cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tháng 11-2024, ông Miran đã công bố cặn kẽ những bước thực hiện điều mà chiến lược gia về tiền tệ và tài chính này báo trước sẽ là “một vụ nổ lớn”. Theo kế hoạch trên, ở giai đoạn một, Mỹ mở một cuộc thương chiến “tàn khốc” đến nỗi tất cả các đối thủ phải cầu cạnh Washington.
Khi đó, ở giai đoạn hai, Mỹ đồng ý nhượng bộ với điều kiện các “chủ nợ” phải bán bớt đồng USD, qua đó giảm tỷ giá hối đoái của đồng tiền Mỹ. Ở giai đoạn cuối cùng, Washington đòi các chủ nợ thay thế công trái của Mỹ họ đang nắm giữ bằng những “công trái có giá trị cả trăm năm”. Giai đoạn cuối cùng này mới là mục tiêu sau cùng ông Miran nhắm tới, bởi đây là giải pháp cho phép giảm nhẹ gánh nặng từ “núi nợ” 30.000 tỷ USD của Mỹ, giảm bớt lãi suất tín dụng mà Mỹ phải thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài hàng năm, mà đứng đầu là Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Dấu hỏi lớn
Theo giới quan sát, trước mắt, tính toán của chiến lược gia kinh tế Miran vẫn còn đang từng bước hình thành nhưng đã để lộ rõ những điều sau. Thứ nhất, chính quyền Tổng thống Donald Trump có khuynh hướng “mặc cả” với thế giới bằng sức mạnh nhưng không chắc sẽ đem lại những kết quả như mong muốn.
Thứ hai, như nhận định của chuyên gia kinh tế Nicolas Véron được báo Les Echos (Pháp) trích dẫn, chủ trương kết hợp các đòn thuế quan mạnh tay và “hù dọa” của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hủy hoại hết các mối liên minh, đối tác thân thiết của nền kinh tế số 1 thế giới như Canada, Mexico, Liên minh châu Âu và cả nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Á. Chưa biết kế hoạch của Mỹ sẽ đi về đâu, chỉ biết rằng nước Mỹ hiện không còn nhiều đồng minh.
Cuối cùng là Mỹ sẵn sàng thay đổi luật chơi về tài chính và thương mại, khai tử mô hình do chính Washington đã tạo ra, miễn là làm sao có lợi cho nước Mỹ.