Áp lực từ Trung Quốc
Ý tưởng phát triển khuôn khổ kinh tế được Tổng thống Biden công bố lần đầu tiên trong các hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào mùa thu năm 2021. Ý tưởng này có thể thành hình vào đầu năm 2022, sau các cuộc đàm phán với các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Khuôn khổ này hiện vẫn được định nghĩa một cách mơ hồ, đó là một thỏa thuận sẽ theo đuổi “các mục tiêu chung”, bao gồm các mục tiêu xung quanh thuận lợi hóa thương mại, nền kinh tế và công nghệ số, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn lao động và các ưu tiên khác.
Theo Báo Japan Times, ông Matthew Goodman, chuyên gia về chính sách kinh tế quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Washington, nhận xét: “Chính quyền Tổng thống Biden phải biến khuôn khổ kinh tế này thành một cái gì rất thực tế và điều đó có nghĩa phải bổ sung thêm chi tiết”.
Dường như điều khiến chính quyền Tổng thống Biden tiến tới việc khởi động một sáng kiến có vẻ như còn đang dang dở này bắt nguồn từ những nỗ lực rõ ràng của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng đối với chính sách thương mại ở khu vực.
Vào tháng 9 vừa qua, Bắc Kinh đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2017. Trung Quốc, cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, 10 quốc gia thành viên ASEAN và các quốc gia khác, cũng đang chờ đợi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2022 sau nhiều năm đàm phán thương mại tự do.
Khi sự chú ý đối với tầm quan trọng của các quy tắc quản lý thương mại kỹ thuật số ngày càng tăng, vào tháng 11, Trung Quốc cho biết họ đã đề nghị được gia nhập Thỏa thuận Đối tác kinh tế kỹ thuật số giữa Singapore, Chile và New Zealand - 3 trong số 4 quốc gia đã đặt nền móng cho CPTPP.
Vai trò của ASEAN
Theo các chuyên gia, bên cạnh các nước lớn trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ASEAN đang ngày càng có tiếng nói quan trọng. Trong năm 2021, Australia và Trung Quốc đều đã giành được thắng lợi ngoại giao khi nâng cấp quan hệ với ASEAN lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Ông Susannah Patton, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, cho rằng, ASEAN muốn có sự cân bằng trong quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc cũng như các nước lớn khác.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bỏ qua chủ nghĩa đa phương dưới nhiều hình thức và không bao giờ tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (do ASEAN chủ trì). Tổng thống Joe Biden đã khắc phục điều này của người tiền nhiệm.
Mặc dù khởi đầu chậm chạp, các quan chức Mỹ đã có mặt tại tất cả cuộc họp quan trọng của ASEAN vào năm 2021. Chính quyền ông Joe Biden hy vọng sẽ thúc đẩy một “khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” để bù đắp cho việc nước này rút khỏi CPTPP, trong đó có 3 nước thành viên ASEAN là Malaysia, Singapore và Việt Nam.
Theo ông Patton, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào năm 2022 - đây là điều tích cực.
Ông Patton khẳng định, nếu Mỹ không đầu tư đủ và thiếu những ý tưởng mới trong mối quan hệ với ASEAN, nước này sẽ mất vai trò ở Đông Nam Á.
Ông nói: “Cam kết sâu rộng và thực chất với ASEAN là cơ hội để Washington thể hiện mình là một đối tác khu vực mang tính xây dựng. Tổng thống Obama đã làm điều này một cách hiệu quả. Ví dụ, ông đã giúp thúc đẩy các nước Đông Nam Á lên tiếng về các vấn đề an ninh hàng hải”.