Nhằm vào các lĩnh vực quan trọng
Đạo luật cũng áp dụng đối với nước láng giềng của Nga là Belarus và cho phép Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Nga. Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), còn gọi là quy chế “Tối huệ quốc”, đòi hỏi một quốc gia phải bảo đảm dành cho tất cả các quốc gia đối tác một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau.
Trong khi đó, nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí cấm các khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng, cùng với việc mở rộng lệnh cấm xuất khẩu đối với một số hàng hóa và tăng cường hạn chế các ngân hàng và công ty nhà nước của Nga.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga, cũng như cấm các tàu, thuyền của Nga cập bến các cảng của liên minh này. Gói trừng phạt này cũng có lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa trị giá 10 tỷ EUR (10,8 tỷ USD) đến Nga, trong đó có các mặt hàng công nghệ cao, và đóng băng tài sản của một số ngân hàng Nga.
Đây là lần đầu tiên, các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Hiện 45% nhu cầu than đá của các nước thành viên EU là nhập khẩu từ Nga, tương đương 4 tỷ EUR (4,3 tỷ USD)/năm. Dự kiến, lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ tháng 8 tới. Ngoài ra, EU cũng mở rộng các mặt hàng cấm nhập khẩu từ Nga, trong đó có nguyên liệu thô và thiết bị quan trọng, ước tính trị giá 5,5 tỷ EUR (5,97 tỷ USD)/năm.
Nhận định về các lệnh trừng phạt mới, giới quan sát cho rằng, Mỹ và các đồng minh đã “cạn kiệt” những lựa chọn dễ nhất để trừng phạt Nga trong khi phải đối mặt với tác động kinh tế tiêu cực. Những biện pháp trên không đủ khả năng làm giảm doanh thu năng lượng của Nga, vốn là nguồn thu huyết mạch của nền kinh tế nước này.
Giám đốc Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) Clayton Allen cho rằng, nếu muốn chuyển sang vòng trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, Mỹ cần đảm bảo với các nước châu Âu việc có thể ổn định thị trường năng lượng và vật tư để tránh tác động xấu về kinh tế.
Ổn định kinh tế vĩ mô
Phản ứng trước những động thái mới nhất từ Mỹ và các đồng minh, ông Dmitry Peskov, Người phát ngôn của Điện Kremlin, cho biết, nước này đã chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt và hiện ổn định kinh tế về mặt vĩ mô.
Theo ông Peskov, Nga đã phải chịu các lệnh trừng phạt trong nhiều năm và đã có sự chuẩn bị cho các tình huống hiện nay. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, đồng rouble đã mạnh lên sau những dự đoán mất giá.
Theo Bộ trưởng Siluanov, cán cân thanh toán hiện nay của Nga đang thặng dư mạnh. Ông Siluanov nói: “Chúng ta xuất khẩu lượng lớn tài nguyên năng lượng như trước đây, trong bối cảnh nguồn cung nhập khẩu hạn chế, nhập khẩu giảm. Tài khoản vãng lai thặng dư, gấp 5 - 6 lần mức thông thường”.
Ngày 8-4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Nga quyết định kết thúc sớm tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2021 - 2023. Tuyên bố này đưa ra sau khi Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền LHQ với 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Hãng tin TASS cho biết, Nga coi quyết định này mang động cơ chính trị, dẫn tới những hậu quả tiêu cực cho hệ thống của LHQ.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. |