Cứng rắn
Trong sắc lệnh trên, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh có bằng chứng đáng tin cậy về việc ByteDance có thể có hành động làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ. Động thái trên đã gia tăng sức ép buộc Công ty ByteDance phải chuyển nhượng TikTok, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ Mỹ có hành động cứng rắn hơn với ứng dụng truyền thông xã hội này của Trung Quốc. Hiện Công ty ByteDance chưa đưa ra bình luận về tuyên bố trên.
Lệnh mới được cho là giúp Công ty ByteDance có thời gian sắp xếp thỏa thuận tiềm năng cho TikTok. Trước đó vài ngày, Tổng thống Donald Trump tuyên bố TikTok chỉ có 45 ngày để đạt thỏa thuận thoái vốn, yêu cầu chủ sở hữu Công ty ByteDance bán cổ phần và hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Microsoft hoặc một công ty nào đó, nếu không mạng xã hội này sẽ phải rút khỏi Mỹ từ ngày 15-9. Theo lệnh mới, ByteDance dự kiến hủy tất cả các bản sao dữ liệu TikTok của người dùng Mỹ và thông báo cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) khi đã hủy tất cả dữ liệu đó.
Thời gian gần đây, TikTok đã lọt vào “tầm ngắm” của giới chức Mỹ với lý do quan ngại về an ninh quốc gia. Vào năm 2019, TikTok bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ phạt 5,7 triệu USD vì thu thập và quản lý trái phép dữ liệu của người dùng dưới 13 tuổi. Theo giới chức Washington, ứng dụng TikTok có thể được sử dụng trong các chiến dịch đưa thông tin sai lệch vì mục đích chính trị. Việc làm này đe dọa khả năng bảo mật thông tin cá nhân và ưu tiên thông tin của người dân Mỹ. Tập đoàn Microsoft của tỷ phú Bill Gates đã đàm phán để mua lại các hoạt động của ứng dụng chia sẻ video này tại Mỹ. Nền tảng truyền thông xã hội Twitter cũng bày tỏ quan tâm đến việc đạt được một thỏa thuận với TikTok.
Trong khi đó, cuộc thảo luận trực tuyến nhằm đánh giá về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc, ban đầu dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15-8, đã bị hoãn lại vì các vấn đề liên quan đến công tác lên chương trình. Hiện hai bên vẫn chưa thống nhất ấn định thời điểm mới. Nếu diễn ra, cuộc họp đánh dấu 6 tháng kể từ ngày thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1 có hiệu lực. Tuy nhiên, theo Reuters, việc hoãn họp không phản ánh bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào đối với thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Chiêu “gậy ông đập lưng ông”
Theo giới quan sát, việc Washington viện dẫn lý do an ninh quốc gia để cấm TikTok chỉ là bề nổi của tảng băng và có lẽ còn có nguyên nhân khác. Một trong những nguyên nhân đó là cuộc cạnh tranh lợi ích Mỹ - Trung ở nhiều phương diện, trong đó có lĩnh vực công nghệ. Sự phát triển vũ bão của các mạng xã hội Trung Quốc tại Mỹ đang đe dọa nghiêm trọng vị thế và lợi ích của các tập đoàn công nghệ Mỹ.
Đây là bước đi mới của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc sau khi Mỹ đã tung ra hàng loạt đòn cứng rắn khác trong gần 3 năm qua, như việc mở cuộc chiến thương mại, cấm cửa các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc là Huawei và ZTE, mới nhất là đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston (bang Texas).
Việc cấm TikTok và WeChat không phải là chiến thuật mới trong cuộc xung đột chiến lược lâu dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang dùng chính chiêu bài mà Bắc Kinh đã áp dụng để ngăn chặn các mạng xã hội Mỹ thâm nhập thị trường Trung Quốc những năm qua đối với Facebook và Google.
Trước viễn cảnh TikTok có khả năng rút chân khỏi thị trường Mỹ, một số nước châu Âu như Ireland, Anh và mới nhất là Đức muốn trở thành nơi đặt trụ sở chính mới của TikTok. Thành phố Frankfurt đang kỳ vọng giành cơ hội trong cuộc chạy đua trở thành nơi đặt trụ sở mới ở châu Âu.
Trước đó, Thị trưởng Frankfurt Feldmann đã gửi thư cho ByteDance sau khi biết ứng dụng này có kế hoạch mở một trụ sở mới ở châu Âu. Tại Đức, Công ty ByteDance đã thiết lập chi nhánh ở Berlin.