Hợp tác nhiều lĩnh vực
Phó Tổng thống Mỹ K.Harris dự kiến đến Hà Nội vào ngày 24-8, bắt đầu lịch trình chuyến thăm Việt Nam từ sáng 25-8. |
Phát biểu về chuyến thăm, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khẳng định: “Tôi thực hiện chuyến đi này vì đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Mỹ. Các quốc gia Đông Nam Á là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ có những lợi ích liên quan đến cả an ninh, lợi ích kinh tế và gần đây là lợi ích y tế toàn cầu”.
Ưu tiên hàng đầu
Theo Hãng tin Reuters, việc lựa chọn Đông Nam Á là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của Phó Tổng thống Kamala Harris tại châu Á cho thấy tầm quan trọng của khu vực này trong chính sách của Mỹ. Chính phủ Tổng thống Joe Biden đã xem việc tăng cường quan hệ với Đông Nam Á là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ. Không chỉ là cộng đồng hơn với 660 triệu dân với một số nền kinh tế đang phát triển nhanh, khu vực này còn nằm cạnh Biển Đông - tuyến đường vận chuyển quan trọng, nơi lưu thông của hàng ngàn tỷ USD hàng hóa mỗi năm.
Thêm vào đó, trong bối cảnh chính phủ Tổng thống Joe Biden đang hết sức chú trọng vai trò của chủ nghĩa đa phương cũng như hợp tác quốc tế, việc nâng tầm quan hệ hợp tác với Đông Nam Á sẽ là điều kiện thuận lợi nếu Mỹ mong muốn quay trở lại đàm phán và tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo thế vững chắc trong quá trình cạnh tranh thương mại với Trung Quốc và giữ vững vị thế khi tham gia vào chủ nghĩa đa phương cạnh tranh toàn cầu.
Chính sách châu Á của chính phủ Tổng thống Joe Biden được xem là sự kế thừa và tiếp nối từ các chính quyền tiền nhiệm. Bước phát triển của mối quan hệ Mỹ và Đông Nam Á trong 10 năm qua được đánh dấu bằng chiến lược “Tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương” dưới thời Tổng thống Obama và sau đó là chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong đó, cả hai đều quan tâm đặc biệt đến vai trò của Đông Nam Á.