Chặn triệt để
Theo quy định đề ra, FCC có thể thu hồi những giấy phép lắp đặt thiết bị đã cấp cho các công ty Trung Quốc, cũng như dừng việc cấp phép thiết bị từ các công ty công nghệ của Bắc Kinh. FCC đã hoàn thiện bộ quy tắc yêu cầu các nhà mạng có thiết bị của Huawei và ZTE phải “tách và thay thế” thiết bị. Cơ quan này cũng đề xuất chương trình bồi hoàn và đã được các nhà lập pháp Mỹ phê duyệt với gói 1,9 tỷ USD. FCC sẽ bỏ phiếu vào tháng 7-2021 để hoàn thiện các quy tắc giám sát quỹ bồi hoàn.
Từ năm 2008, FCC đã phê duyệt hơn 3.000 hồ sơ đăng ký thiết bị từ Huawei. Vào tháng 3-2021, FCC đã nêu tên 5 công ty Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia theo luật năm 2019 nhằm bảo vệ các mạng truyền thông của Mỹ. Ngoài Huawei và ZTE, 3 công ty khác nằm trong danh sách “đen” của FCC là Hytera Communications Corp, Hangzhou Hikvision Digital Technology Co và Zhejiang Dahua Technology Co.
Sau quyết định mới nhất của FCC, một nhóm nhà lập pháp Mỹ, gồm thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ed Markey và thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, lên tiếng ca ngợi và cho rằng nó phản ánh mục tiêu của luật pháp lưỡng đảng. Trong khi đó, người phát ngôn của Huawei nói, quyết định của FCC là “không hợp lý và trừng phạt không cần thiết”. Huawei cho rằng, việc chặn mua thiết bị dựa trên phán đoán liên quan đến quốc gia xuất xứ hoặc thương hiệu là phân biệt đối xử.
Quyết định của FCC một lần nữa giáng đòn mạnh vào các công ty công nghệ chủ chốt của Trung Quốc sau thời gian thâm nhập thị trường Mỹ. Động thái cũng cho thấy, Chính phủ của Tổng thống Joe Biden không “mềm mỏng” trong chính sách đối phó với công nghệ của Bắc Kinh, điều đã được thực hiện quyết liệt dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump. Theo đó, các ngành công nghệ của Trung Quốc bị Washington coi là mối đe dọa tiềm tàng.
Lập liên minh giành lợi thế
Chính phủ của Tổng thống Joe Biden đặt chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), mạng viễn thông 5G làm trọng tâm trong chiến lược đối trọng với Trung Quốc. Vấn đề cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc của Mỹ càng trở nên cấp thiết hơn bởi sự thiếu hụt các vi mạch cần thiết trong các ngành công nghiệp ô tô, điện thoại di động, tủ lạnh... trên toàn cầu. Theo Bloomberg, Mỹ đang tìm cách tập hợp một liên minh các quốc gia để giành lợi thế trong chế tạo chất bán dẫn và điện toán lượng tử.
Trong lúc Mỹ thúc đẩy chiến lược phát triển công nghệ và siết chặt kiểm soát công nghệ từ Trung Quốc, thì Bắc Kinh cũng xác định công nghệ là trọng tâm phát triển trong tương lai. Bất chấp áp lực từ nước ngoài, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu về AI vào năm 2030. Theo Trung tâm Sáng tạo dữ liệu có trụ sở tại Mỹ, tính đến năm 2021, Mỹ vẫn giữ vị trí dẫn đầu đáng kể trên toàn cầu về lĩnh vực công nghệ, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách.
Để đáp trả các lệnh trừng phạt, Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua Luật chống lại các lệnh trừng phạt của nước ngoài. Bộ luật này được coi là căn cứ pháp lý để chính phủ Trung Quốc chống lại các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Cụ thể, đạo luật mới quy định, các cá nhân và tổ chức tham gia vào quá trình xây dựng cũng như thực thi các biện pháp phân biệt đối xử đối với công dân và các tổ chức của Trung Quốc sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt. Theo giới quan sát, đạo luật này sẽ giúp những biện pháp đáp trả của Bắc Kinh tăng thêm tính hợp pháp.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Nhà Trắng sẽ xem xét tổ chức cuộc thảo luận giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo dự kiến tham dự hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức vào tháng 10 tới. |