Không được ủng hộ
Giải thích lý do đóng băng nguồn tiền, Tổng thống Donald Trump cho biết Washington cần có thời gian đánh giá lại vai trò của Mỹ trong cuộc chiến. Quyết định chi thêm khoản tiền này đã được Ngoại trưởng Mỹ thời điểm đó là ông Rex Tillerson đưa ra hồi tháng 2 tại Kuwait trong cuộc họp với liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu.
Với quan điểm “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump đã từng tuyên bố rằng các đồng minh của Mỹ trong khu vực cần phải đóng góp nhiều hơn. Trước đó, có thông tin cho biết ông Donald Trump muốn ngay sau khi tuyên bố IS bị đẩy lùi, khoảng 2.000 quân Mỹ đang có mặt ở Syria sẽ rời đi. Trên thực tế, trong tháng vừa qua, các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm hỗ trợ lực lượng đồng minh địa phương trên mặt đất đã giảm dần.
Hiện nay, hiệu quả hoạt động của các lực lượng Mỹ ở Syria vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Bắt đầu từ năm 2014 đến nay, liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đã tiến hành các chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt IS ở Syria. Liên quân còn ủng hộ các lực lượng đối lập Syria chống lại chính phủ, còn chính quyền Tổng thống Assad cáo buộc sự hiện diện quân sự của Mỹ tại nước này là bất hợp pháp.
Hành động mới từ phía chính quyền Tổng thống Donald Trump đã làm đồng minh lo lắng. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cảnh báo quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi Syria có thể mang tới những hệ quả nguy hiểm. Lầu Năm Góc cũng hoàn toàn bất ngờ về tuyên bố của ông Donald Trump. Giới chức an ninh lo ngại việc Mỹ dừng trợ cấp sẽ tạo điều kiện cho Nga và Iran mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) vốn được Mỹ hậu thuẫn để làm đối trọng với Chính phủ Syria và Nga mất đi nguồn hỗ trợ sẽ bị suy yếu, tạo ra sự hỗn loạn trong khu vực và IS có thể tận dụng chính sự hỗn loạn này để tái tập hợp.
Truyền thông Mỹ cũng không mấy ủng hộ quyết định của Tổng thống Donald Trump. Tờ Washington Post cho rằng việc Mỹ rút khỏi Syria sẽ đặt đấu chấm hết cho việc kiểm soát phần lớn các mỏ dầu đang do SDF nắm giữ và lợi ích thu được từ nguồn tài nguyên này sẽ sớm rơi vào tay Iran.
Syria giải phóng Đông Ghouta
Trong khi đó, dưới sự hỗ trợ của quân đội đồng minh, quân đội Chính phủ Syria tuyên bố đã giải phóng hoàn toàn khu vực Đông Ghouta ở ngoại vi thủ đô Damascus. Giải phóng Đông Ghouta được coi là thắng lợi lớn nhất của Syria trước khủng bố kể từ khi giành lại quyền kiểm soát Aleppo năm 2016.
Tuyên bố cũng cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn với nhóm phiến quân Jaish al-Islam Takfiri ở Douma - thành trì cuối cùng của phiến quân ở Đông Ghouta, khi các đơn vị quân đội đảm bảo hành lang an toàn cho hàng chục ngàn dân thường - vốn bị các phần tử khủng bố sử dụng làm “lá chắn sống” - rời vùng chiến sự.
Theo quân đội Syria, việc giải phóng khu vực trên giúp đảm bảo các tuyến đường trọng yếu kết nối thủ đô Damascus với các khu vực miền Trung, miền Bắc và duyên hải cũng như vùng biên giới phía Đông giáp Iraq.
Các nhóm phiến quân đã kiểm soát Đông Ghouta, nơi tập trung khoảng 400.000 dân từ năm 2012, vài tháng sau khi Syria chìm trong xung đột. Đến nay, khu vực này thường được phiến quân sử dụng làm “bàn đạp” cho các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường và các cơ sở hạ tầng ở thủ đô Damascus.
Hãng Tass cho biết thông qua hành lang nhân đạo hơn 41.000 tay súng Hồi giáo cực đoan cùng gia đình đã rời khỏi Đông Ghouta theo thoả thuận với chính quyền Syria. Phía Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Đông Ghouta sẽ sớm khôi phục lại nhịp sống bình thường.