Những ý kiến phản đối cho rằng quyết định của ông Donald Trump sẽ gây ra mối đe dọa với an ninh, ổn định của khu vực, tạo hình ảnh về một nước Mỹ bất tín… Vậy điều gì thôi thúc ông Donald Trump có một quyết định gây tranh cãi đến vậy?
Trong, ngoài phản đối
Mọi chuyện bắt đầu từ cuộc điện đàm tối 6-10 vừa qua giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, thảo luận về việc thiết lập “vùng an toàn” tại miền Bắc Syria. Trong cuộc điện đàm, ông Erdogan đã tái khẳng định sự cần thiết phải thiết lập “vùng an toàn” nhằm loại bỏ nguy cơ từ đảng Công nhân người Kurd (PKK) và lực lượng Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), cũng như cho phép người tị nạn Syria hồi hương.
YPG được Mỹ hậu thuẫn nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại coi là một nhánh của PKK mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ gây ra mối đe dọa đối với an ninh và ổn định khu vực, đồng thời gửi đi một thông điệp tới Nga, Iran cũng như các đồng minh của Mỹ, rằng “Washington không còn là một đối tác đáng tin cậy”.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell tuyên bố, việc nhanh chóng rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Syria sẽ làm gia tăng nguy cơ trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố khác.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham - một trong những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump mạnh mẽ nhất trong những năm gần đây, cũng phản đối và gọi quyết định của ông Donald Trump là một thảm họa.
Lo ngại trước việc Thổ Nhĩ Kỳ công khai ý định mở chiến dịch quân sự tại Đông Bắc Syria, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ), ông Stephane Dujarric, cho biết Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi tất cả các bên tại Đông Bắc Syria kiềm chế tối đa, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự cũng như đảm bảo công tác cứu trợ nhân đạo được thông suốt. Đức, Nga, Pháp… cũng bày tỏ sự quan ngại về những động thái mới đầy rủi ro, nguy hiểm cho an ninh khu vực này.
Toan tính
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rõ lý do về việc rút quân khỏi Syria do duy trì sự ủng hộ đối với các lực lượng người Kurd là quá tốn kém. Theo ông Donald Trump, người Kurd chiến đấu với Mỹ trong cuộc chiến chống IS trong gần 3 năm, họ được trả một lượng tiền lớn và trang thiết bị để làm như vậy. Theo ông Donald Trump, đã đến lúc Mỹ rút khỏi cuộc chiến không có hồi kết này và đưa binh sĩ về nước.
Có rất nhiều động cơ để Tổng thống Mỹ đưa ra quyết định trên. Ông Harry Kazianis, Giám đốc Viện Nghiên cứu lợi ích quốc gia, có trụ sở tại Washington (Mỹ), từng chia sẻ trên tạp chí Newsweek rằng, Tổng thống Mỹ cho là đã hoàn thành một cam kết trong chiến dịch tranh cử - đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ bằng cách đánh bại IS và đưa binh sĩ về nhà. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 sắp tới, việc rút quân khỏi Syria sẽ tạo được ấn tượng tốt với cử tri khi nó cho thấy Tổng thống Mỹ vẫn luôn theo đuổi thực hiện cam kết “Nước Mỹ trước tiên” mà ông đã đưa ra.
Trong khi đó, Fox News cho rằng, quyết định của Tổng thống Mỹ có thể đi vào lịch sử như một giải pháp rõ ràng để kết thúc cuộc chiến vô vọng, không hồi kết giống như ở Afghanistan và Iraq. Bằng cách rút khỏi các vũng lầy Afghanistan hay Syria, Tổng thống Mỹ có thể tập trung sức mạnh nhiều hơn để đối phó với Trung Quốc - mối đe dọa chính của Mỹ. Thách thức lớn nhất của người Mỹ hiện nay đang ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, việc Mỹ buông đồng minh người Kurd ở Syria còn giúp tránh được một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh chủ chốt trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), không để gây ra khủng hoảng địa chính trị nghiêm trọng trong liên minh quân sự lớn nhất thế giới này.