Nhan nhản ở các chợ
Đầu tháng 12-2021, Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra kho hàng sản xuất mỹ phẩm của chi nhánh Công ty TNHH SX-TM-DV hóa mỹ phẩm T.L.T. trên đường Tân Thới Hiệp 20, phường Tân Thới Hiệp, quận 12 (TPHCM), phát hiện công nhân đang sản xuất nhiều loại mỹ phẩm như: dầu gội, nước rửa tay, sữa tắm, kem trắng da… Toàn bộ mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, chủ cơ sở không cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định. Theo khai nhận của chủ cơ sở, số mỹ phẩm này sẽ được chủ bỏ mối tại các chợ, hộ kinh doanh trên địa bàn TPHCM.
Đây chỉ là một trong những vụ việc phát hiện mỹ phẩm kém chất lượng mà lực lượng chức năng phát hiện gần đây. Tại TPHCM, các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, nhái thương hiệu đang trà trộn, len lỏi vào khu chợ đêm, chợ sinh viên, cửa hàng mỹ phẩm nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội cũng được tận dụng để rao bán, tiêu thụ mỹ phẩm trôi nổi.
Tối 20-4, khảo sát tại chợ đêm H.T.T. (quận Gò Vấp), và chợ K.B. (quận 5), chúng tôi ghi nhận có khá nhiều quầy bán mỹ phẩm kem trắng da, kem trị mụn, son, nước hoa... Bên cạnh các loại mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vẫn có nhiều loại mỹ phẩm không nhãn mác, nhái thương hiệu nổi tiếng, bán giá rẻ bất ngờ. Theo quan sát, nhiều loại mỹ phẩm nhãn mác được in sơ sài, hộp móp méo, không có thông tin địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, thành phần... Tại chợ đêm Làng Đại học, TP Thủ Đức (TPHCM) có khá nhiều quầy bán mỹ phẩm giá rẻ. Một chủ quầy hàng mỹ phẩm ở đây cho biết, các sản phẩm này là hàng... xách tay, hàng nội địa có thương hiệu, hàng tự pha chế nên có giá từ bình dân đến cao cấp, khách mua chủ yếu là sinh viên.
Là nạn nhân của mỹ phẩm trôi nổi, chị T.N.V., sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, chưa hết khiếp sợ bởi mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Chị V. kể, tháng 5-2021 chị mua vài loại kem trị mụn ở chợ đêm Làng Đại học. Sau 1 tuần sử dụng, da mặt chị sạm đen, nổi mẩn đỏ, mưng mủ. Quá hoảng, chị ngưng dùng và đến BV Da liễu để thăm khám. “Gần nửa năm qua, tôi đi khám và uống thuốc đều đặn nhưng đến giờ da mặt vẫn chưa hồi phục, còn đốm tàn nhang chi chít”, chị V chia sẻ.
Đến thăm khám và điều trị tại một BV ở TPHCM trong tình trạng môi sưng to, lở loét, đau rát, chị P.T.H.G., sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, cho biết, chị thường mua son, mỹ phẩm tại một chợ đêm ở quận Gò Vấp vì có giá khá rẻ. “Dùng son được gần 1 tháng, tôi thấy môi hay bị khô, bong tróc da và sau đó rỉ máu. Ban đầu, tôi nghĩ do bị nóng trong người nên uống nhiều nước mát, tuy nhiên tình trạng ngày càng tệ hơn nên tôi quyết định đến BV. Các bác sĩ (BS) xác định tôi bị kích ứng với son môi”, chị P.T.H.G. tâm sự.
Cẩn trọng khi mua mỹ phẩm
Theo BV Da liễu TPHCM, số ca đến thăm khám thời gian qua chủ yếu gặp biến chứng về da do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, trôi nổi với các biểu hiện như ngứa, ửng đỏ, nóng rát, bong tróc, sưng viêm, nổi bóng nước. Tập trung chủ yếu ở 2 nhóm tuổi: nhóm 20-30 tuổi, đa phần do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng điều trị mụn; nhóm 40-60 tuổi, thường dùng mỹ phẩm với mong muốn làm trắng sáng da nhanh chóng.
BS Nguyễn Duy Quân, Khoa Thẩm mỹ da, BV Da liễu TPHCM, khuyến cáo, khi sử dụng mỹ phẩm cảm thấy da có biểu hiện bất thường thì nên ngưng sử dụng và đến gặp BS chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp, tránh biến chứng nguy hiểm về sau. Việc điều trị cho những trường hợp biến chứng cũng rất khó khăn, tốn thời gian và chi phí. Người dùng nên cân nhắc, hiểu rõ tình trạng da để chọn sản phẩm phù hợp. Nên chọn thương hiệu uy tín, được kiểm duyệt và chứng nhận bởi cơ quan chức năng. Mỹ phẩm kém chất lượng thường chứa đựng trong những chai lọ rất thô sơ, nhiều màu sắc, không đầy đủ thông tin như thành phần, hàm lượng, nguồn gốc xuất xứ. Chất kem không mịn, màu đậm hoặc không đều màu, có mùi khó chịu. Ngoài ra, tốt nhất nên đến thăm khám với BS chuyên ngành để được tư vấn chọn mỹ phẩm phù hợp, tránh tiền mất tật mang.
BS Nguyễn Duy Quân chia sẻ thêm, hiện nay trên thị trường có nhiều loại son môi kém chất lượng, giá rẻ nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên, công nhân lao động, người có thu nhập thấp. Trên thực tế, các loại son này chứa nhiều thành phần kim loại nặng, chất tạo màu, hàm lượng thành phần chưa được kiểm duyệt. Khi sử dụng có thể gây dị ứng như sưng, ngứa, viêm loét, nặng hơn có thể gây nhiễm trùng; nếu không được điều trị đúng cách dễ dẫn đến sẹo xấu, gây mất thẩm mỹ vùng môi.