Nhặt sạn văn nghệ

Mỵ Nương hay Mỵ Châu?

Mỵ Nương

Chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” ngày 20-10-2007 của Đài VTV3 có câu hỏi: Kể tên một vật trang sức của phụ nữ gắn với một truyền thuyết lịch sử của nước ta. Đáp án đưa ra là “ngọc trai”, gắn với truyền thuyết “Trọng Thủy – Mỵ Nương” (từ Mỵ Nương trong phần giải thích đáp án được lặp đi lặp lại nhiều lần).

Thật ra, “mỵ nương” là một danh từ chung, tương đương với “công chúa”, chỉ con gái vua, chứ không phải tên riêng (con trai vua gọi là “quan lang”, theo truyền thuyết cổ). Còn nhân vật sánh đôi với Trọng Thủy tên là Mỵ Châu (con của An Dương Vương), chứ không phải Mỵ Nương!

Thiết nghĩ, cần biên tập nội dung chương trình cẩn thận hơn.

BIÊN HÀ

Cây Mắc cỡ không phải là cây Trinh nữ hoàng cung

Trên báo Thanh niên ra ngày 25-9-2007, bài “Nhức đầu, đau lưng, dễ cáu gắt...!” ở trang 9 có ảnh cây Mắc cỡ với chú thích trong ngoặc đơn “Trinh nữ hoàng cung”. Tuy nhiên theo tài liệu y học thì:

- Cây Mắc cỡ còn gọi là cây Xấu hổ, cây Thẹn, Trinh nữ, Hàm tu thảo. Tên khoa học là Mimosa pudica L, thuộc họ Trinh nữ (Mimosaceae).

- Trinh nữ hoàng cung còn gọi là Tỏi lơi lá rộng. Tên khoa học là Crinum Latifolium L, thuộc họ Thủy tiên (Amaryllidaceae).

Vậy hai loại cây trên khác nhau hoàn toàn chứ không phải là một như báo nêu.

NGUYỄN HOÀNG TÙNG (Châu Đốc – An Giang)

Nhầm lẫn...

Ngày 24-8-2007, Đài HTV7 phát sóng chương trình “Người chiến thắng”, người dẫn chương trình đã hào hứng giải thích luật chơi điền chữ vào khoảng trống (...) trong câu:

Không thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch của người...
Và lời đáp là:
Không thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch của người Tràng An

Thật ngạc nhiên, chữ của rành rành trên màn hình đã làm câu trở thành vô nghĩa. Đúng ra phải là: Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Không biết nhầm lẫn này của biên tập hay của kỹ thuật nhưng thật khó chịu cho người nghe khi MC Thanh Điền cứ nhắc đi nhắc lại nhấn mạnh chữ “của”. 

D.T.T.L. (Bình Thạnh - TPHCM)

Tin cùng chuyên mục