Mô hình mới cho thách thức mới
Trong tuyên bố chung có tiêu đề “Quan hệ đối tác toàn cầu Mỹ - Nhật Bản cho kỷ nguyên mới” công bố sau cuộc gặp, lãnh đạo hai nước khẳng định tiếp tục mối quan hệ đồng minh đã trở thành trụ cột của hòa bình và an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuyên bố chung nhấn mạnh, Mỹ và Nhật Bản được kết nối bằng các giá trị và nguyên tắc chung, những điều đã tạo tiền đề để hai nước thiết lập hợp tác, từ đó có thể xử lý các mối đe dọa toàn cầu, từ dịch Covid-19, biến đổi khí hậu tới các thách thức đối với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc tự do và rộng mở.
Để xây dựng mô hình hợp tác mới trong thế kỷ 21, Thủ tướng Yoshihide Suga và Tổng thống Joe Biden đã khởi động quan hệ “Đối tác cạnh tranh và kiên cường (CoRe)” mới.
Trong lĩnh vực đối ngoại và an ninh, hai nhà lãnh đạo cùng nhất trí thúc đẩy “Tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa” và các quy tắc chung trên biển, bao gồm tự do đi lại trên biển và trên không theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Đặc biệt, trong tuyên bố chung, Washington tái khẳng định sự hậu thuẫn đối với quốc phòng của Nhật Bản theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh tương hỗ Nhật - Mỹ, sử dụng tất cả năng lực của mình, trong đó có năng lực hạt nhân. Chính phủ Tổng thống Joe Biden cũng tái khẳng định Điều 5 của hiệp ước trên có hiệu lực với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư…
Cũng tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về các hành động gần đây của Trung Quốc tại khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông. Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo bày tỏ phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, hăm dọa hay cưỡng ép ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Thủ tướng Yoshihide Suga và Tổng thống Joe Biden nhắc lại sự phản đối của hai nước đối với “các yêu sách biển bất hợp pháp và các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông” và tái khẳng định mối quan tâm chung của hai nước đối với một “Biển Đông tự do và rộng mở”, trong đó quyền tự do đi lại trên biển và trên không được bảo đảm, phù hợp với UNCLOS.
Cạnh tranh chiến lược
Đánh giá về cuộc gặp, chuyên gia Nicholas Szechenyi, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở ở Washington, nhận xét: “Cả Nhật Bản và Mỹ đều thừa nhận thách thức lớn nhất trong khu vực này là sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc”.
Ông Toshihiro Nakayama, Giáo sư Đại học Keio, cho rằng, Nhật Bản và Mỹ “đang ở điểm khởi đầu của cuộc cạnh tranh chiến lược kéo dài với Trung Quốc”, trong bối cảnh Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của cả Nhật Bản và Mỹ.
Đáng lưu ý, phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã nhấn mạnh đến nhu cầu thiết lập mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng với Trung Quốc.
Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhất trí tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác, trong đó có Australia và Ấn Độ trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ (Quad).
Hai bên cũng đề cập tới vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thừa nhận hợp tác ba bên với Hàn Quốc là cực kỳ quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của hai nước.
Việc Thủ tướng Nhật Bản là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức được coi là một tín hiệu cho thấy Washington đang đặt ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. |