Phát biểu tại Ủy ban Tài chính Thượng viện, bà Katherine Tai nhấn mạnh, các quốc gia và các nhà sản xuất thuốc có "nghĩa vụ giúp cứu thế giới ngay bây giờ". Bà đánh giá cao hiệu quả nghiên cứu và bào chế vaccine của các hãng dược phẩm trong nước. Quan chức thương mại này khẳng định, chủ đề chính trong các đàm phán tới đây là thúc đẩy các giải pháp nhanh chóng chấm dứt đại dịch, để người dân trên thế giới có thể sớm trở lại cuộc sống bình thường, thay vì đề cập nhiều tới khía cạnh ngăn chặn các nước "đánh cắp" công nghệ của Mỹ. Theo Đại diện Thương mại Mỹ, chấm dứt đại dịch Covid-19 là điều cần thiết đầu tiên để thúc đẩy mọi chính sách thương mại sau này.
Trước đó, ngày 5-5, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vaccine ngừa Covid-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại WTO. Trong thông báo về vấn đề này, Đại diện Thương mại Katherine Tai nhấn mạnh, mặc dù quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp là quan trọng, tuy nhiên Washington "ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine ngừa Covid-19”. Thế giới đang trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và những tình hình đặc biệt của đại dịch Covid-19 cần các biện pháp đặc biệt. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán của WTO sẽ mất thời gian do việc phải dựa trên sự đồng thuận của thể chế và mức độ phức tạp của các vấn đề liên quan.
Theo thông báo, Mỹ sẽ bắt đầu tham gia vào các cuộc đàm phán của WTO về việc dỡ bỏ các rào cản mà theo những người ủng hộ sẽ giúp cho việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 phổ biến, cũng như giúp các nước có thu nhập thấp tự điều chế được vaccine.
Nam Phi và Ấn Độ đã nộp văn bản đề xuất cấp miễn trừ tạm thời một số nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã kêu gọi các nước ủng hộ sáng kiến trên của Pretoria và New Delhi.
Tuy nhiên, các nước Liên minh châu Âu (EU) tạm thời chưa quyết định về vấn đề tạm miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine phòng Covid-19 vì cho rằng, còn nhiều vấn đề cấp bách hơn cần phải xem xét. Đức phản đối yêu cầu các hãng dược từ bỏ quyền bảo hộ với các loại vaccine phòng Covid-19, cho rằng đây không phải là giải pháp giúp tăng sản lượng vaccine.