Mỹ muốn phong tỏa nguồn năng lượng của Nga

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 3-10 khẳng định, Nga đang hoàn tất các dự án năng lượng bất chấp sự cạnh tranh không công bằng trên trường quốc tế cũng như những mối đe dọa trực tiếp từ một số nhà lãnh đạo nước ngoài. 

 

Trong khi đó Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có kế hoạch cấm vận Nga xuất khẩu dầu khí và ngăn chặn dự án đường ống dẫn dầu Nord Stream 2. 

Biếm họa về việc Mỹ cấm vận dầu khí của Nga
 Khí đốt Mỹ có thay được của Nga?


Theo Reuters, những người đứng đầu các tập đoàn dầu khí toàn cầu đã cùng gửi thông điệp cho Tổng thống Mỹ nói rằng thế giới cần khí đốt của Nga. Thông điệp này được đưa ra giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo ông có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các dự án xuất khẩu khí đốt của Nga. Nhà Trắng cho rằng “Nga không phải là công dân tốt của toàn cầu” đồng thời cho biết họ có thể thực hiện các biện pháp chặn đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2 - Nga dùng để xuất khẩu khí đốt sang Bắc Âu). Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tìm cách trừng phạt Nga liên quan đến các đường ống xuất khẩu dầu khí trước đây nhưng vấp phải cuộc vận động hành lang mạnh mẽ từ Liên minh châu Âu (EU) và các nhóm kinh doanh. Vấn đề này sẽ được đưa trở lại chương trình nghị sự của Washington trong năm nay.

Các nhóm doanh nhân ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu đang tham dự một diễn đàn ở thủ đô Nga cùng nhau phản bác kế hoạch của Mỹ phong tỏa dầu khí của Nga. Họ nói khí đốt của Nga là hỗn hợp năng lượng và khí tự nhiên hóa lỏng. Họ cho rằng khí đốt hóa lỏng của Washington để thay thế lại quá đắt. Giám đốc điều hành của Royal Dutch Shell (RDSa.AS), Ben van Beurden, cho biết nếu Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các dự án xuất khẩu dầu của Nga, công ty của ông sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo. Nhưng theo ông, Nga là nhà cung cấp khí đốt rất đáng tin cậy trong nhiều thập kỷ... với giá cạnh tranh nhất.

Patrick Pouyanne, giám đốc điều hành Tổng công ty dầu khí lớn của Pháp (TOTF.PA), cho biết khí đốt hóa lỏng (LNG) được sản xuất tại dự án Yamal của Nga có tính cạnh tranh cao. Cả Shell và Total đều có quyền lợi trong việc giữ khí đốt của Nga đến các thị trường thế giới. Shell là một nhà đầu tư với Gazprom của Nga trong dự án Sakhalin-2 LNG ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương, trong khi Total là nhà đầu tư trong dự án Yamal.

Lợi thế của Nga

Phát biểu tại buổi lễ trao giải trong khuôn khổ diễn đàn quốc tế mang tên Tuần lễ Năng lượng Nga diễn ra ở thủ đô Mátxcơva, ông Peskov nêu rõ: “ Về tổng thể, giống như đất nước chúng ta, lĩnh vực năng lượng cũng đang phải đối mặt với hoạt động cạnh tranh thiếu công bằng, và lãnh đạo các nước khác đang đe dọa trực tiếp đến các dự án năng lượng của chúng ta. Bất chấp điều này, những dự án vẫn đang được tiến hành”. Trước đó, theo Tass, trong bài phát biểu với lãnh đạo của các công ty năng lượng lớn, các chuyên gia hàng đầu và giới truyền thông tại diễn đàn, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Nga là một trong những cường quốc năng lượng hàng đầu thế giới, có đóng góp đáng kể cho mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU năm nay sẽ đạt mức kỷ lục 200 tỷ m3. Ông cho rằng châu Âu nhập khẩu LNG từ Mỹ sẽ đắt hơn 30% so với khí đốt của Nga và nền kinh tế Đức sẽ mất tính cạnh tranh nếu phải dựa vào hàng nhập khẩu của Mỹ. Nhắc đến cảnh báo trừng phạt của Tổng thống Mỹ, ông Putin nói: “Tôi hiểu Donald Trump, ông ấy đang chiến đấu vì lợi ích của đất nước mình và ông ta có quyền làm điều đó. Nhưng trong trường hợp này, LNG của Mỹ trên thị trường châu Âu đắt hơn, không phải một chút mà là 30%. Đó là quá nhiều”.

Giá dầu ngày 4-10 giảm xuống từ mức cao nhất trong 4 năm qua do hàng tồn kho của Mỹ tăng và sau khi có nguồn tin cho biết Nga và Saudi Arabia đã ký một hợp đồng tư nhân vào tháng 9 để tăng sản lượng dầu thô. Dầu thô Brent hiện ở mức 86,14 USD/thùng, giảm 15 cent. Dầu thô Tây Texas giảm 18 cent, ở mức 76,23 USD/thùng.

Tin cùng chuyên mục